Ngành Tài chính: Thực hiện nhiều giải pháp giúp phục hồi và phát triển kinh tế

09:34:57 | 19/3/2024

Năm 2023, ngành Tài chính Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có phỏng vấn với ông Lê Phước Thái, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang xung quanh những nỗ lực này.

Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế, thu - chi ngân sách. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả đạt được và mục tiêu năm 2024?

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, Hậu Giang cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tuy nhiên, với sự nhất trí, đồng lòng của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Sở Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả cụ thể: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.529 tỷ đồng, đạt 105,85% dự toán Trung ương, 100,17% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 6,38% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 14.369 tỷ đồng, đạt 150,49% dự toán Trung ương; 107,91% dự toán HĐND tỉnh và tăng 19,77% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 8.066 tỷ đồng, chi thường xuyên là 6.020 tỷ đồng.

Sở cũng luôn chủ động nắm bắt tình hình thực hiện thu - chi ngân sách định kỳ trong quá trình điều hành ngân sách năm 2023, nhằm bám sát khả năng thu làm cơ sở bố trí chi; tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng thu - tiết kiệm chi. Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, thực hiện hoàn thành 122/100 hồ sơ; thực hiện thường xuyên và đột xuất các cuộc thanh, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, góp phần thực hiện chương trình hành động của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bước sang năm 2024, ngành Tài chính với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng” tiếp tục đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua khó khăn, phát huy kết quả đạt được hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Các mục tiêu cụ thể: Thu NSNN 7.500 tỷ đồng, đạt 119,35% dự toán Trung ương và tăng 14,87% so với cùng kỳ (bao gồm thu nội địa là 6.800 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 700 tỷ đồng). Chỉ tiêu tổng chi ngân sách 12.407 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.867 tỷ đồng.

Những năm qua, ngành Tài chính đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tạo thuận lời cho nhà đầu tư?

Ngành đã tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp điều hành, cân đối thu - chi ngân sách, trong đó có các giải pháp nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, tạo thuận lời cho nhà đầu tư. Cụ thể như sau:

Một là, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm bớt thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Hai là, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần nuôi dưỡng và tăng nguồn thu bền vững.

Ba là, tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc.

Bốn là, đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi thu hút doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, dự án có tính lan toả, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác.

Năm là, tăng cường công tác nâng cấp chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; ưu tiên đầu tư cho việc tạo quỹ đất sạch và hạ tầng khu công nghiệp; các tuyến đường kết nối với khu, cụm công nghiệp.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (từ trái sang) dự Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 

Ông nhìn nhận thế nào về quá trình hợp tác, đồng hành giữa ngành Tài chính với doanh nghiệp trong hai thập niên qua; nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay?

Giai đoạn năm 2020 - 2021, ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ liên quan đến gia hạn, giảm thuế như: Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 (theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020); giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021,…

Bên cạnh đó là tham mưu các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội; hỗ trợ đợt bùng phát dịch thứ hai cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, lao động mất việc làm,...

Giai đoạn năm 2022 - 2023, ngành đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá nhân giảm chi phí, duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% (trừ một số hàng hóa, dịch vụ ít bị ảnh hưởng) giảm xuống còn 8% đến hết tháng 12/2023; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế năm 2022; tiền thuê đất, thuê mặt nước của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục được điều chỉnh giảm 30% trong năm 2022; giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023; giảm 50% lệ phí trước bạ từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023,...

Ngoài ra, ngành đã cân đối nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, ưu tiên bổ sung kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum