Chuyển đổi số để thu hút đầu tư

14:15:24 | 27/12/2024

Vĩnh Phúc xác định phát triển đồng bộ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy chuyển đổi số (CĐS) của địa phương được triển khai một cách quyết liệt. Ngân sách đầu tư cho CĐS gian đoạn 2014 – 2024 trên 1.283 tỷ đồng.

Cơ chế, chính sách đồng bộ

Theo ông Bùi Hồng Đô – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển công nghệ thông tin, thực hiện xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Trong đó, nổi bật là Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ thị số 04 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc;… 

Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên thực hiện việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời nghiêm túc triển khai thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hệ thống chỉ tiêu đánh giá theo quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc; Kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc.

 Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Xây dựng các quy chế về an toàn thông tin mạng; sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; sử dụng thư điện tử công vụ; sử dụng chữ ký số; quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng Cổng dịch vụ công của tỉnh; các văn bản hướng dẫn thực hiện để cụ thể hóa các nội dung về an toàn, an ninh thông tin và trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi sử dụng phần mềm. Đồng thời, đã ban hành mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền theo quy định làm cơ sở cho việc định hướng kỹ thuật, triển khai các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên địa bàn tỉnh.

Phát triển đồng bộ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Vĩnh Phúc chú trọng phát triển 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, tăng thêm giá trị cho nền kinh tế và phục vụ người dân, doanh nghiệp

Về chính quyền số, hiện tại hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện có 1.865 dịch vụ công, trong đó có 954 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 645 dịch vụ công trực tuyến một phần và 266 dịch vụ công cung cấp thông tin. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đã tích hợp 1.217 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 701 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 516 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Ngoài ra, hiện có 479 thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trong đó có 419 thủ tục tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 6 tháng đầu năm 2024, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh có 53% hồ sơ nộp dịch vụ công nộp trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp; có 371 tài khoản cán bộ, công chức tại Bộ phận một cửa thường xuyên sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có 54.503 lượt khai thác thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các nhiệm vụ công tác chuyên môn.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hồ sơ công việc hiện đang triển khai cho 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; thực hiện liên thông với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử. 6 tháng đầu năm 2024, có 493.356 văn bản đến, 150.811 văn bản đi, 150.360 văn bản đi có ký số. Tỷ lệ ký số trên phần mềm của tỉnh là 99.7%. Toàn tỉnh đã cấp 2.562 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho 515 cơ quan, đơn vị;  đã đăng ký cấp 104 Sim PKI cho lãnh đạo của 22 cơ quan, đơn vị.

Nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển phù hợp với xu thế phát triển thời đại công nghệ 4.0, các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp đã nỗ lực vào cuộc, đồng bộ các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số góp phần nâng giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của một số ngành liên quan kinh tế số ước đạt khoảng 21% tổng GRDP; có trên 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.

Toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet; trên 100% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử, số giấy nộp tiền và số tiền nộp thuế điện tử đạt trên 99% so với tổng số giấy nộp; 100% doanh nghiêp đã hoàn thành việc đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.  

  Xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi số là để đem lại những tiện ích phục vụ cuộc sống và sinh hoạt của mỗi người dân, do đó, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển trụ cột xã hội số. Hạ tầng mạng lưới, dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ hiện đại. Toàn tỉnh có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ với 3.000 trạm BTS, phủ sóng di động 3G, 4G trên địa bàn tỉnh đạt 100%, đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel; hiện có 1.350.000 thuê bao điện thoại di động; 286.000 thuê bao Internet băng rộng cố định và 1.050.000 thuê bao Internet băng rộng di động. Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao Internet băng rộng ước đạt là 90%.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đưa công cuộc chuyển đổi số phát triển đem lại những lợi ích thiết thực gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua việc thu hút đầu tư với các DN công nghệ lớn phát triển công nghiệp công nghệ số; đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, các sản phẩn Internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi làm việc với tập đoàn FPT đầu tháng 11 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, định hướng đến năm 2030 Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp. Trong đó, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn với ưu thế có nguồn nhân lực chất lượng. Vì vậy, Chủ tịch mong muốn Tập đoàn FPT đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Thanh Long Vĩnh Phúc; sớm triển khai hỗ trợ Vĩnh Phúc đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển của tỉnh. 

Đồng ý về chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp giáo dục tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Tập đoàn FPT sớm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình tự triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật để sớm khởi công dự án Tổ hợp giáo dục FPT tại Vĩnh Phúc trong thời gian sớm nhất, phấn đấu là công trình khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; giao Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh là đầu mối đôn đốc, triển khai các nội dung hợp tác với Tập đoàn.

Hiền Hưng (Vietnam Business Forum)