Thu hút vốn FDI: Nhiều động thái tích cực
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh An Giang luôn nêu cao quyết tâm gia tăng sức hút môi trường đầu tư thông qua nỗ lực tăng cường các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thân thiện; tích cực cải cách hành chính tạo cơ chế chính sách thông thoáng đối với các doanh nghiệp …. Những động thái tích cực này đã góp phần mang lại sắc thái mới cho bức tranh thu hút đầu tư vào tỉnh. Cùng tìm hiểu thêm thông tin thông qua nội dung trao đổi ngắn với ông Lê Văn Phước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang. Hoàng Lâm thực hiện.
Ông có thể phác họa bức tranh thu hút đầu tư FDI của An Giang những năm qua cũng như vai trò, những đóng góp quan trọng của các DN FDI trong phát triển công nghiệp, phát triển KT - XH tỉnh nhà?
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh An Giang thu hút tổng cộng 69 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 599.318.037 USD; trong đó có 37 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 262.657.552 USD, tổng vốn đầu tư thực hiện 129.701.374 USD (chiếm 49,38% tổng vốn đầu tư đăng ký). Như vậy, trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm tỉnh thu hút được 2,3 dự án với số vốn 19,98 triệu USD. Trong giai đoạn 10 năm đầu tiên (1988-1997), thu hút được 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 27.416.188 USD; trong giai đoạn 1998-2008 thu hút được 6 dự án với tổng vốn 85.580.000 USD, so với 10 năm đầu tiên số dự án giảm 7 dự án nhưng số vốn tăng hơn 3 lần (tăng 58.163.812 USD); trong giai đoạn 2009-2017 thu hút 50 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 486.321.849 USD (đây cũng là giai đoạn thu hút FDI mạnh mẽ nhất với số dự án và mức vốn vượt trội).
Mặc dù tình hình thu hút dự án FDI trên địa bàn tỉnh An Giang còn hạn chế so với tiềm năng của tỉnh nhưng nhìn chung khu vực DN FDI đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT - XH của địa phương. Về mặt kinh tế, những năm qua vốn FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang. Trong đó giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực FDI là 1.043 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,19% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tưng ứng giai đoạn 2011-2015 là 1.069 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,72% ; riêng trong năm 2016 là 451 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,88%. Các dự án FDI có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế của tỉnh; hiệu quả hoạt động của DN FDI được nâng cao qua số lượng các DN tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Khu vực có vốn FDI đã tạo ra việc làm cho gần 9.000 lao động, góp phần quan trọng ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.
Các nhà đầu tư FDI khi đến với An Giang đều đánh giá rất cao về chính sách "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư cũng như những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của tỉnh nhà. Ông có thể phân tích sâu hơn về ưu thế này?
Tỉnh An Giang xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các DN, nhất là các DN FDI đến tìm hiểu và tham gia đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Với tính chất quan trọng đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng các Chương trình, Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các DN như: Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 27/2/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 377/CTr-UBND ngày 14/7/2016 thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 2000/QĐ-UBND ngày 15/7/2016 ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số PCI tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020)…
Để khai thác hiệu quả mọi tiềm năng thế mạnh, tỉnh An Giang chủ trương thực hiện từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, sẵn sàng đón các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Về cơ chế chính sách, tất cả các nhà đầu tư FDI khi đầu tư trên địa bàn tỉnh đều được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi như: thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, miễn giảm tiền thuê đất… Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hồ sơ, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, tỉnh đã ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 về Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh An Giang, theo đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh còn 16 ngày (so với quy định là 35 ngày) và thời gian đăng ký thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ trong một ngày làm việc; Đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần Misa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với mong muốn “tặng phần mềm kế toán cho doanh nghiệp mới thành lập”…, qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay sẽ là cơ hội lớn để An Giang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI, tạo bước nhảy vọt trong phát triển KT - XH. Đón đầu cơ hội này, giai đoạn từ đây đến năm 2020 thu hút FDI của An Giang sẽ tập trung vào những trọng tâm nào? Những chỉ tiêu thu hút vốn FDI cụ thể tỉnh đề ra cho giai đoạn này?
Theo kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016-2020, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 7% thì tỉnh cần phải huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 148.000 tỷ đồng. Dự kiến huy động các nguồn vốn ngoài nước khoảng 30 - 35%.Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn FDI có vị trí rất quan trọng. Từ tình hình thực tế của địa phương trong thời gian qua đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài và mục tiêu phát triển KT - XH trong giai đoạn 2016-2020, để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI, tạo bước nhảy vọt trong phát triển KT - XH, giai đoạn từ đây đến năm 2020, An Giang tập trung thu hút đầu tư FDI có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, các dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường nhưng không quên yếu tố giải quyết việc. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các DN FDI sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác tối đa thị trường nội địa để thay thế hàng nhập khẩu. Thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chức năng - khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh nhằm đảm bảo phát triển theo quy hoạch; không tiếp nhận dự án có hiệu quả KT - XH thấp, các dự án có ảnh hưởng nguy hại đến môi trường
Về chỉ tiêu cụ thể, hàng năm An Giang sẽ thu hút 5-10 dự án, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD/năm, chiếm khoản 10-14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2016-2020 bình quân đạt 1 triệu USD/năm, chiếm 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.