Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Lời giải cho bài toán đầu ra của nông sản

10:12:01 | 5/12/2017


Triển khai thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Long An giai đoạn 2014 – 2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An chọn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (3 cây trồng lúa, rau, thanh long và 1 vật nuôi con bò thịt) là chương trình đột phá của tỉnh với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Long An đã thực hiện rà soát và xác định được diện tích, địa bàn quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên “3 cây và 1 con” đến năm 2020 để tập trung thực hiện. Cụ thể, vùng lúa với tổng diện tích 20.000 ha tại 26 xã thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường; vùng rau với tổng diện tích 2.000 ha tại 18 xã, phường thuộc các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và thành phố Tân An; vùng thanh long với tổng diện tích 2.000 ha tại 12 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành; vùng chăn nuôi bò thịt tại 22 xã, thị trấn thuộc huyện Đức Hòa, Đức Huệ.



Các sở ngành tỉnh Long An, đầu mối là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các mô hình điểm trình diễn sản xuất ƯDCNC (mô hình của tỉnh). Theo đó, năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã triển khai thực hiện 6 mô hình điểm sản xuất lúa với diện tích khoảng 50 ha/mô hình (hỗ trợ giống xác nhận, sử dụng máy cấy lúa, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, phân bón, chế phẩm sinh học, trồng hoa sinh thái,…), lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha. Đặc biệt nông dân trong mô hình được doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc.

Đối với cây rau, tỉnh triển khai thực hiện 7 mô hình điểm sản xuất rau với diện tích khoảng 1ha/mô hình; trong đó có hỗ trợ xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, phân bón hữu cơ, thuốc sinh học,…). Hiệu quả ban đầu đạt được rất khả quan, nhất là về mặt kinh tế với lợi nhuận trung bình trong mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 1-3 triệu đồng/0,1 ha.

Trên cây thanh long, tỉnh cũng triển khai thực hiện 8 mô hình điểm sản xuất thanh long theo hướng VietGAP với diện tích khoảng 20ha/mô hình (hỗ trợ phân hữu cơ, nấm sinh học, bẫy côn trùng, máy băm cành thanh long, hỗ trợ thực hiện 01 mô hình điểm tưới nước tiết kiệm,…), lợi nhuận trung bình trong mô hình thực hiện năm 2016 cao hơn ngoài mô hình từ 4-7 triệu đồng/01 ha. Bước đầu đã triển khai thực hiện 2 mô hình điểm nuôi bò thịt ƯDCNC ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ (hỗ trợ đầu tư trang trại, gieo tinh nhân tạo, kỹ thuật chăm sóc,...).

Bên cạnh việc hỗ trợ cụ thể bằng kinh phí (Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện, nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu/mô hình), các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc các loại cây, con…hoàn toàn miễn phí bằng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó các hợp tác xã sản xuất tham gia thực hiện quy trình sản xuất theo VietGAP cũng được tỉnh hỗ trợ chi phí tư vấn thực hiện lần đầu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Hoàng cho biết để đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị, chất lượng, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Long An đã chọn phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chương trình đột phá của tỉnh với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong đó các đối tượng “3 cây và 1 con” được Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn để thực hiện ƯDCNC với quan điểm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh ƯDCNC nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng kết hợp với lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp theo đặc điểm, điều kiện sản xuất của địa phương để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao và lâu bền.

Theo ông Hoàng, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, về đầu tư thì công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng của Chương trình nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm an toàn, ƯDCNC.