Long An: Quyết tâm trở thành tỉnh giàu, mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

09:52:41 | 5/12/2017

Ðảng bộ và nhân dân Long An bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X trong bối cảnh thuận lợi đan xen với không ít khó khăn, thách thức; tuy nhiên với sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, Long An vẫn gặt hái được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng với quyết tâm chính trị cao nhất cùng sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất định Long An sẽ thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho những bước tiến nhanh, mạnh và bền vững của tỉnh trong tương lai". Hoàng Lâm thực hiện.

Ðến thời điểm hiện nay, Long An đã đạt được những thành quả phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) đáng khích lệ nào trong triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)? Xin ông cho biết những mục tiêu lớn tỉnh Long An đặt ra trong cả nhiệm kỳ?

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,05%, vượt kế hoạch đề ra; riêng 6 tháng đầu năm 2017 GRDP đạt mức khá là 8,81%; GRDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 56 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo đo lường theo phương pháp đa chiều giảm xuống còn 3,57%. Từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của Long An đang chuyển dịch đúng định hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa; khu vực I hiện chiếm tỷ trọng 21,2%, khu vực II chiếm tỷ trọng 45,4% và khu vực III chiếm tỷ trọng trên 33%.

Việc triển khai thực hiện 2 chương trình đột phá (Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp), 3 công trình trọng điểm (đường tỉnh 830 đoạn Ðức Hòa-Tân Tập-Cần Giuộc; đường vành đai Tp.Tân An; trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Tiền Giang-Long An-Tp.Hồ Chí Minh) đạt kết quả tích cực. Ðến nay tỉnh có 9.254 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký trên 220.000 tỷ đồng; thu hút được trên 1.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 155.000 tỷ đồng và 851 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt hơn 67% và cụm công nghiệp gần 90%. Thương mại - dịch vụ duy trì ổn định, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức tăng trưởng khá với 4,34 tỷ USD trong năm 2016 và 2,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017. Thu ngân sách năm 2016 là 9.197 tỷ đồng, đạt 112% dự toán; riêng 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 8.614 tỷ đồng, đạt gần 75,9% dự toán Trung ương giao. Văn hóa - xã hội có tiến bộ, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.



Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Long An lần thứ X đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu hoàn thành trong nhiệm kỳ 2015-2020; trong đó đáng lưu ý là: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 9-9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 80-85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3% theo tiêu chí mới. Ðể thực hiện đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đó, Nghị quyết Ðại hội xác định phải thực hiện thành công 2 chương trình đột phá và triển khai 3 công trình trọng điểm như tôi đã đề cập ở trên với mong muốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Long An hoàn chỉnh, đồng bộ kết nối thông suốt đến Tp.Hồ Chí Minh, kết nối hạ tầng giữa các KCN và cảng Long An phục vụ phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Sự phát triển của Long An gắn liền với sự phát triển của vùng Tp.Hồ Chí Minh. Vậy qua hơn 1 năm triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa tỉnh Long An và Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020, cả hai địa phương đă đạt được bước tiến quan trọng nào?

Long An có vị trí địa kinh tế thuận lợi, là cửa ngõ kết nối giao thương giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là tiếp giáp với Tp.Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất nước. Với lợi thế to lớn đó, Long An đã xác định phải phát huy tối đa tiềm năng, vai trò kết nối của tỉnh, nhất là tăng cường gắn kết chặt chẽ với Tp.Hồ Chí Minh với tinh thần "đôi bên cùng có lợi". Ngày 16/7/2016, hai địa phương đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển KT - XH giai đoạn 2016-2020 và đến nay sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể trên lĩnh vực giao thông, Long An và Tp.Hồ Chí Minh đã thỏa thuận, thống nhất tiếp tục đầu tư kết nối đồng bộ các công trình giao thông chưa hoàn thành; định hướng mở mới một số tuyến đường mang tính chiến lược kết nối giữa hai địa phương, đẩy nhanh tiến trình lan tỏa phát triển của vùng Tp.Hồ Chí Minh.

Trên lĩnh vực thương mại và nông nghiệp, thông qua công tác xúc tiến thương mại, các mặt hàng nông sản chủ yếu của Long An (rau, củ, quả, thủy sản, gia súc, gia cầm…) được thuận lợi hơn trong việc cung cấp cho thị trường tiêu thụ tại Tp.Hồ Chí Minh. Hàng hóa nông sản của tỉnh được tổ chức sản xuất lại theo chuỗi giá trị thực phẩm sạch, an toàn để đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ; nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết giữa các DN, siêu thị của Tp.Hồ Chí Minh với các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản tỉnh Long An. Ðến nay đã triển khai thực hiện 9 hợp đồng kinh tế và ký được 58 Biên bản ghi nhớ; trong đó có Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-Satra, Liên hiệp HTX Thương mại Tp.Hồ Chí Minh-SaigonCo.op và Công ty Vissan...

Ðể đưa Long An phát triển nhanh, mạnh hơn nữa và sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, tỉnh sẽ tập trung vào những khâu đột phá chiến lược nào?

Mục tiêu của Long An là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà; song song đó đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để có sự phát triển bứt phá, vươn lên trở thành một trong những tỉnh giàu, mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Ðể hiện thực hóa mục tiêu đề ra, trước hết tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ cho phát triển công nghiệp; trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thông qua việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu – cụm công nghiệp với nhau, kết nối với Tp.Hồ Chí Minh và kết nối đến cảng Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Song song đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực triển khai 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X.

Thứ hai, Long An đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trọng tâm là chọn 3 cây trồng (lúa, thanh long, rau), 1 vật nuôi (bò thịt) thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính để phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 4 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh ứng dụng công nghệ cao.

Thứ ba, tỉnh tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; phát huy hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, phục vụ tốt nhất người dân và DN; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).

Với cương vị người đứng đầu Ðảng bộ tỉnh Long An, ông có thông điệp gì muốn nhắn gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Long An đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của tỉnh cụ thể hóa các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ phát triển DN, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nhằm thu hút đầu tư DN trong và ngoài nước.

Hiện nay, Long An là một trong 9 tỉnh, thành phố trên cả nước tiên phong thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công. Thông qua đó việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối. Ðiều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, công dân; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ hành chính, đặc biệt là đối với các thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan như: thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… DN, nhà đầu tư chỉ đến một nơi duy nhất để giải quyết thủ tục hành chính có liên quan thay vì đi đến từng sở, ngành. Ðây được xem là bước đột phá trong cải cách hành chính của chính quyền tỉnh Long An, góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN. Chỉ số PCI của tỉnh luôn thuộc nhóm Tốt đến Rất tốt của cả nước.

Với truyền thống hiếu khách và khát vọng phát triển mạnh mẽ, tỉnh Long An sẵn sàng chào đón, đồng hành cùng các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài nước. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi cam kết sẽ luôn nhất quán phương châm "đồng hành cùng DN, nhà đầu tư; xem khó khăn của DN cũng là khó khăn của mình, thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh nhà". Tại Long An, các DN, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công các công trình, dự án của mình. Các DN, nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra Long An thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và nhiều cơ hội phát triển thành công mới.