Công nghệ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phát triển

10:01:45 | 14/12/2017

Từng có khảo sát ghi nhận rằng 85% các doanh nghiệp quan tâm tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, song hơn 70% doanh nghiệp được hỏi băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay. Bản thân các doanh nghiệp cũng tự nhận thấy không chỉ là tiềm lực mà kể cả nhận thức và trình độ như hiện nay sẽ khó theo kịp xu hướng phát triển về công nghệ.

Cơ hội lớn


Nền tảng công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhở và vừa (DNNVV) trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc hợp tác với các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Các DN khởi nghiệp sẽ có tiềm năng ứng dụng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin nhanh chóng cùng ý tưởng đột phá, sáng tạo, thâm nhập thị trường ngách với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hiện tại cũng chưa nhiều doanh nghiệp cũng như người dân để tâm tìm hiểu hoặc nhận thức được những giá trị và tác động đem lại từ công nghệ số hay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cho dù những thành tựu ấy đang len lỏi, hiện hữu ngày càng rõ trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Khi các hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển thì người dân có thể đi chợ, shopping mà không cần ra đường; việc kinh doanh có thể không cần cửa hàng hay thuê nhân công phục vụ; nhiều hoạt động sản xuất được đưa vào quy trình tự động hóa và được vận hành bởi các robot. Cùng với đó là sự phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử; giao nhận vận chuyển. Không thể kể cho hết những thành tựu công nghệ đang biến những điều không thể thành có thể; phá vỡ mọi giới hạn của trí tưởng tượng và sức sáng tạo của con người.

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển về công nghệ thông tin; điện thoại thông minh và internet tăng trưởng, phát triển tỷ lệ cao trong tốp đầu của thế giới. Các bộ, ngành và địa phương cũng tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Hạ tầng, nhân lực và ứng dụng CNTT được tập trung đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đưa vào vận hành các quỹ về phát triển, đổi mới công nghệ. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với hơn 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là nền tảng rất tốt về kết nối để doanh nghiệp, người dân tận dụng, ứng dụng phát triển doanh nghiệp cho mình.



Công nghiệp công nghệ thông tin đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn và đóng góp quan trọng vào GDP Việt Nam.

Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này khoảng 24.500 doanh nghiệp. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2016 ước đạt khoảng 66,7 tỷ USD (tăng 11,5% so với năm 2015); trong đó, công nghiệp phần cứng là 58,9 tỷ USD, công nghiệp phần mềm hơn 3 tỷ USD và còn lại là nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. Kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin ước đạt trên 60 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng CNTT; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cải cách giáo dục và dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Đặc biệt, cộng đồng DN Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số DN đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Một số DN Việt Nam đã rất thành công trong các ngành CNTT, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, DTT... Năm 2017, Tập đoàn Viettel được xếp hạng đứng thứ hai trong ASEAN và trong tốp 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,68 tỷ USD.

Cần sự chuyển dịch phù hợp

Mặc dù vậy, công nghệ thông tin Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào một số lợi thế như nhân công dồi dào, chi phí thấp. Với cuộc cách mạng số hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tốc độ cao và quy mô lớn như hiện nay, đòi hỏi ngành công nghệ thông tin cần có chuyển dịch phù hợp để phát triển.

Nhiều chuyên gia nhận định, thách thức hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam là các nhà máy sản xuất phần lớn ở mức dây chuyền cấp thấp, ứng dụng công nghệ thông tin mới được quan tâm và ở mức trung bình, tính kết nối tạo hệ sinh thái chưa được hình thành, nhất là tâm lý “ngại” đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin do lo lắng hiệu quả đầu tư trong doanh nghiệp SME.

Với 97% là DNNVV, có ít hơn 100 nhân viên trong các lĩnh vực thương mại và dịch vụ, thì điều quan trọng chính yếu là các doanh nghiệp cần phải số hóa, nâng cao năng lực.

Để thực hiện số hóa thành công, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM- HCA, cần thực hiện 6 bước: phác thảo chiến lược trong cách mạng lần thứ 4, phát triển dự án thí điểm đầu tiên, xác định năng lực cần thiết thực hiện, các dữ liệu cần được số hóa, chuyển đổi thành doanh nghiệp số hóa và phải kết nối với hệ sinh thái trong ngành.

Trên cơ sở phân tích thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp, ông Phí Anh Tuấn đưa ra lộ trình phác thảo với doanh nghiệp SME VN là ứng dụng công nghệ thông tin như là một nền tảng khởi đầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho doanh nghiệp; ứng dụng tự động hóa, “Internet of things”- IoT tùy theo ngân sách DN; tham gia xây dựng hệ thống kết nối doanh nghiệp – doanh nghiệp dạng “hệ sinh thái”; tiến tới tự động hóa và sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất

Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được những cơ hội này, Chính phủ Việt Nam phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện phát triển: phải minh bạch hóa chính sách, xóa bỏ tình trạng quan liêu, cắt giảm tối đa chi phí thủ tục. Minh bạch chính sách không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực tài chính, thời gian vào sản xuất kinh doanh mà còn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài - những người tạo ra cơ hội kinh doanh và kết nối các DNNVV VN vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi VN phải từng bước cải cách nền giáo dục theo hướng đào tạo những sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế.

Về phía mình, các DN SME cần phải có tầm nhìn, chiến lược xa hơn, xác định mục tiêu thị trường toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào thị trường trong nước.

Nếu biết tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, các DNNVV, DN khởi nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn về công nghệ, tài chính, tìm kiếm khách hàng để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quỳnh Chi