Huyện Nga Sơn: Bật dậy những tiềm năng

14:45:42 | 6/5/2010

Nga Sơn, với chiều dài 20 km bờ biển, gồm 8 xã nằm dọc theo bờ biển là vùng triều màu mỡ đã tạo nên thế mạnh để phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đang tạo thành nguồn lợi để người Nga Sơn vươn lên làm giàu.

Lãnh đạo tỉnh và huyện thăm làng nghề chiếu cói

Kinh tế chuyển mình

Huyện Nga Sơn nằm ở cực Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố khoảng 42 km. Phía bắc và đông giáp tỉnh Ninh Bình và Thị xã Bỉm Sơn; phía Tây giáp huyện Hà Trung, phía Nam giáp huyện Hậu Lộc. Không có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp, nên Nga Sơn luôn xác định nông, ngư nghiệp luôn là hướng đột phá trong phát triển kinh tế. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong huyện cùng với nỗ lực của người dân, kinh tế của Nga Sơn đã có nhiều khởi sắc.

Nông nghiệp của Nga Sơn đã có những chuyển dịch tích cực. Nhiều năm qua, Nga Sơn luôn là một trong những huyện đi đầu trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng. Năm 2008, tổng sản lượng lương thực đạt 54.104 tấn, tăng 22,9% so với năm 2007. Bước chuyển dịch tích cực trong nông nghiệp của huyện còn được thể hiện bằng nỗ lực chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém năng xuất thành những vùng cây màu như: lạc, đậu tương, cói…

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi của huyện cũng tững bước giữ vai trò quan trong trong cơ cấu nông nghiệp. Hàng năm huyện luôn đưa ra những chương trình hành động để phát triển chăn nuôi như: chương trình cải tạo đàn lợn, đàn bò… Qua đó người nông dân đã từng bước được tiếp cận với những kỹ thuật mới. Để tạo bước phát triển bền vững, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại trong chăn nuôi được huyện khuyến khích phát triển. Nhờ đó, ngành chăn nuôi đang chuyển dần từ chăn nuôi tận dụng sang chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp. Năm 2008, toàn huyện có trên 10 nghìn con trâu, bò, 42.200 con lợn, 369.350 con gia cầm.

Là một huyện ven biển, Nga Sơn xác định phải đưa ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. năm 2008, giá trị sản xuất thủy sản đạt 27,76 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2007. Diện tích mặt nước nuôi trồng trên 1.022 ha. Cùng đó, toàn huyện có 240 diện tích kết hợp lúa – cá, lúa tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó tổng sản lượng khai thác và nuôi đạt 3.330 tấn, tăng 10,5% so với năm 2007.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với lợi thế từ vùng nguyên liệu cói, được sự quan tâm của các cấp các ngành trong tỉnh và huyện đã tạo bước tăng trưởng rõ rệt trong sản xuất, tạo sự sôi động cho thị trường tiêu thụ. Chiếu cói Nga Sơn đã trở nên quen thuộc không chỉ với người tiêu dùng trong nước mà còn vươn lên chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Với truyền thồng nghề làm cói, các sản phẩm từ cói ngày càng đa dạng và tinh xảo. Các sản phẩm chủ lực như: chiếu cói, quại cói. Năm 2008, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 118,1 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2007. Toàn huyện có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, thu hút hàng chục nghìn lao động.

Tuy nhiên, không chỉ tập trung phát triển mạnh nghề chiếu cói, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đá vôi cùng với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Nga Sơn đang tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sản xuất xi măng, công nghiệp đóng tàu… Để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, các cấp lãnh đạo huyện luôn trọng thị và tạo mọi điều kiện từ vấn đề thủ tục hành chính đến việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Hiện nay trên địa bàn huyện đã được quy hoạch đầu tư một nhà máy xi măng. Khi đi vào hoạt động sẽ mở đường để công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của huyện phát triển.

Kết cấu hạ tầng khởi sắc

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện để Nga Sơn đẩy mạnh phát các lĩnh vực văn hóa xã hội và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong những năm qua phong trào làm đường giao thông nông thôn luôn được thực hiện tốt. Số đường làm mới, nâng cấp, kiên cố hóa tăng nhanh, chất lượng ngày càng nâng lên. Cấp ủy chính quyền huyện đã tích cực chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn cơ sở về quy trình kỹ thuật, quy trình lập dự toán… nhằm tạo điều kiện để các xã làm tốt phong trào làm giao thông nông thôn. Chỉ tính trong 3 năm 2006 – 2008, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện ước đạt 413 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được tập trung chủ yếu làm đường giao thông, các công trình thủy lợi, trường học, Bệnh viện đa khoa, đường điện…

Xác định giáo dục đào tạo là mục tiêu quan trong hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực, những năm qua nâng cao chất lượng giáo dục đã đi sâu vào nếp nghĩ của cấp uỷ, chính quyền và trong mỗi người dân nơi đây. Các ngành học, cấp học tổ chức thực hiện tốt nội dung chương trình quy định, hoàn thành các kế hoạch hàng năm. Đến nay huyện luôn củng cố vững chắc kết quả phổ cấp giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ơ 100% xã, thị trấn. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, trường lớp được kiên cố hóa và mua sắm trang thiết bị, bàn ghế đúng quy cách. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở khám chữa bệnh được tăng cường. Nhờ đó huyện luôn làm tốt công tác y tế dự phòng đến các hoạt động khám chữa bệnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng gia đình văn hóa được phát động và triển khai tốt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Toàn huyện đã có 34.200/34.600 gia đình đăng ký phấn đấu gia đình văn hóa.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, an ninh trật tự được bảo đảm đó chính thành quả của Nga Sơn được chắt chiu từ gừng cay muối mặn. Cấp ủy chính quyền cùng với người dân luôn khát khao làm bật dậy những tiềm năng để bồi đắp cho mỗi làng quê ngày thêm trù phú. Đó chính là những việc làm thiết thực nhất để Nga Sơn hội nhập cùng cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Trọng Đạt