14:57:16 | 6/5/2010
Dọc theo quốc lộ 1A, qua thị xã Bỉm Sơn, sẽ tới huyện Hà Trung. Nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, Hà Trung giáp với thị xã Bỉm Sơn và tỉnh Ninh Bình ở phía Bắc, giáp với huyện Hậu Lộc ở phía Nam, phía Tây giáp huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc và phía Đông giáp với huyện Nga Sơn.
Là huyện có truyền thống lịch sử lâu đời với những di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: quần thể lăng miếu triều Nguyễn, Ly cung nhà Hồ, chùa Long Cảm, chùa Ban Phúc, đền Hàn Sơn… Những di tích không chỉ góp phần tô đẹp cho Hà Trung mà còn mở ra những cơ hội to lớn cho ngành du lịch. Cùng đó, với hơn 40% là diện tích đồi, núi đá đã tạo cho huyện thế mạnh phát triển ngành khai thác, chế biến vật liệu xây dựng. Trên địa bàn huyện còn có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện với Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam cùng với hệ thống sông Lèn, sông Tống, sông Hoạt, sông Chiếu Bạch… Đó chính là lợi thế tạo sức bật đê Hà Trung ngày càng khởi sắc trong thời hội nhập.
Vượt khó đi lên
Là một vùng đồng chiêm trũng, chịu nhiều thiên tai, nhưng Hà Trung đã nỗ lực vượt khó, khai thác tốt những lợi thế, tiềm năng tạo những bước phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội. Trong nông nghiệp, để khắc phục khó khăn do ruộng đất sâu trững, huyện đã tập trung đầu tư hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng nhanh diện tích xuân muộn và mùa sớm, điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí cơ cấu giống lúa có năng suất cao. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 16.300 ha. Năm 2008 tổng sản lượng lương thực đạt 63.503 tấn. Huyện luôn đảm bảo mục tiêu ổn định và giữ vững an ninh lương thực. Nhiều vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản theo mô hình kết hợp lúa – cá, lúa – tôm, đem lại thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Các mô hình trang trại chăn nuôi cũng được huyện khuyến khích phát triển. Nhờ đó toàn huyện đã có đàn trâu, bò trên 10.700 con, đàn lợn 22.786 con.
Là huyện có tiềm năng về phát triển sản xuất vật liệu xây dựng như: phụ gia xi măng, đá ốp lát các loại đã tạo điều kiện để Hà Trung phát triển công nghiệp. Những năm qua Hà Trung là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy xi măng trong và ngoài tỉnh. Hà Trung còn được đánh giá là nơi có nguồn nguyên liệu đất sét rất phù hợp cho ngành công nghiệp sản xuất gạch ngói và gốm. Để khai thác tiềm năng này, huyện đã quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề như: Hà Phong, Bình, Lĩnh, Long. Đồng thời để thu hút đầu tư, Hà Trung luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó đã tạo những tín hiệu lạc quan trong phát triển công nghiệp. Năm 2008, tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt trên 252 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2007.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng ngày càng khởi sắc nhờ phát huy lợi thế nằm trong vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển tương đối đa dạng, phong phú. Hệ thống chợ được củng cố, cải tạo và nâng cấp tạo. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh nhất là lĩnh vực vận tải thủy thu hút hàng nghìn lao động tham gia.
Đầu tư kết cấu hạ tầng
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hà Trung cũng rất quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình, dự án được triển khai, trong đó huyện tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình thủy lợi. Nhờ đó đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Những công trình thủy lợi quy mô lớn được khởi công và đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo ổn định trong sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng bưu chính viễn thông cũng không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Năm 2008, trên địa bàn huyện 7.500 máy điện thoại, nâng mật độ 26,5 máy/100 dân.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng đạt được những kết quả khả quan. Huyện đã thực hiện tốt công tác cải tiến phương pháp dạy và học, phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Năm 2008, số học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng là 930 học sinh, tăng 123 học sinh so với năm 2007. Toàn huyện có 322 học sinh đạt loại giỏi cấp tỉnh. Cơ sở vật chất của các trường học cũng được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố là 80%. Toàn huyện đã có 35 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng lên. Huyện tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng xã chuẩn quốc gia về y tế. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp. Những năm gần đây Hà Trung đã khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian và các lế hội truyền thống. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được chú trọng cả về chất và lượng. Toàn huyện đã khai trương xây dựng 230 làng, công sở văn hóa, trong đó có 160 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Công tác xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cũng được triển khai hiệu quả. Năm 2008 oàn huyện đã giải quyết cho 2.400 lao động có việc làm mới. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 14% giảm 3,68% so với năm 2007.
Với những thành tựu khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội đã tạo tiền đề để Hà Trung hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn tới. Theo đó huyện sẽ phấn đấu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, huyện tập trung đây mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp với các nhà đầu tư. Ngoài việc vận dụng một cách linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương vào điều kiện thực tiễn, lãnh đạo huyện còn cam kết tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư từ vấn đề thủ tục hành chính, đền bù giải phóng mặt bằng và đảm bảo an ninh trật tự… Trân trọng các nhà đầu tư, khơi nguồn lực sẽ là tiền đề để Hà Trung tạo sức bật trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội./.
Trọng Đạt
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI