15:32:54 | 6/5/2010
Cát Hải là huyện đảo giàu truyền thống văn hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích: đền, đình chùa…là những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – nghệ thuật – nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương; mặt khác là nơi tưởng niệm các danh nhân lịch sử - văn hóa – những người có công với quê hương như: lễ hội Làng cá, hội thi kéo xe ngựa Hoàng Châu, lễ hội xuống biển…
Kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân gian từ cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân huyện đảo Cát Hải. Ngày nay, những trò chơi, thi đấu trên sóng biển ở Cát Hải thực sự là những ngày hội lớn giao lưu văn hóa, thể thao giữa huyện đảo với các huyện lúa ngoại thành Hải Phòng và tỉnh bạn Quảng Ninh.
Hội Làng cá diễn ra vào ngày 1- 4 hàng năm, ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà – Cát Hải, động viên thăm hỏi ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ vùng biển quê hương. Từ đó đến nay, ngày 1- 4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thủy sản, ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh cá vụ Nam của ngư dân huyện đảo. Ngày hội lớn mang nhiều ý nghĩa lịch sử diễm ra trọng thể ngay tại vùng đảo Cát Bà. Trong ngày hội không thể thiếu các cuộc đua thuyền rồng trên biển Cát Bà. Vào lễ hội, sau phần thủ tục làm lễ khai mạc diễn ra lễ đài trước bến tàu neo đậu giữa trung tâm. Một nửa nội dung của lễ hội Cát Bà là các hoạt động thi đấu diễn ra trên biển, trọng tâm là cuộc đua thuyền rồng giữa đội chủ nhà Cát Bà với các đoàn khách đến từ vùng Duyên hải Quảng Ninh, Bắc Trung bộ, cùng những địa phương anh em Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên…Đua thuyền rồng trên biển thể hiện truyền thống vươn khơi trong thế Rồng bay của đất nước, nối vòng tay bè bạn, thân ái với mọi miền tổ quốc.
Hội thi kéo xe ngựa Hoàng Châu có tên cũ là Vàng Châu, tổng An Khoái, huyện Hoa Phong, trấn Quảng An (nay thuộc thành phố Hải Phòng ). Đây là địa danh làng xã cùng tên chung tên gọi đồng thời với ngôi đình cổ thờ các vị thành hoàng cùng mang tên Hoàng Châu.
Vào ngày sinh hoặc ngày mất của các vị thành hoàng, ngôi đình làng Hoàng Châu thực sự trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở địa phương. Đặc biệt vào ngày 10 tháng 6 âm lịch hàng năm làng tổ chức đám rước linh vị hai vị thành hoàng từ hai miếu giáp Đông, giáp Đoài về đình mở hội tế lễ. Đỉnh cao của lễ hội Hoàng Châu phải kể đến trò thi kéo ngựa chiến hay còn gọi là sa mã giữa hai bên giáp Đông và giáp Đoài. Chiếc xa mã mang dáng dấp của một đôi ngựa chiến thực thụ có đày đủ dây cương, yếm hoa, cổ đeo nhạc, cơ động trên bánh xe bằng gỗ. Thành viên của hai giáp tham gia đều mang trang phục gọn gàng, quần ống chẽn, đầu chít khăn kiểu đầu rìu mang hai màu xanh đỏ khác nhau. Người chỉ huy tay cầm cờ có màu sắc để phân biệt bên đối phương, mỗi đội có từ 12 – 15 thành viên với trang phục đúng theo quy định của làng. Quy định của cuộc chơi bên nào muốn giành giải thưởng của làng phải kéo ngựa chạy đủ 3 vòng, không chạm vạch. Tàn cuộc chơi, sau đó cùng uống trà, thụ lộc thánh, hẹn mùa lễ hội sang năm. Đây là một trò vui mang đầy tinh thần thượng võ, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian, là hình thức thể thao lành mạnh thể hiện sức mạnh và sự khéo léo mà làng xã Hoàng Châu huyện đảo Cát Hải còn bảo lưu đến tận ngày nay.
Lễ hội xuống biển, được tổ chức tại làng chài Trân Châu từ ngày 4 – 6 tháng giêng hàng năm. Sau khi lễ tế thủy thần, long vương, một hồi trống hiệu lệnh vang lên, hàng trăm trai tráng tay cầm chèo hò reo chạy tới thuyền của mình để kịp ra nơi quy định nhanh nhất. Một người chèo, một người tung lưới và gõ nhịp vào nơi mạn thuyền. Gõ càng mạnh, càng dồn dập, cá càng hoảng sợ chạy vào lưới càng nhiều. Đến trưa nổ pháo lệch thu quân, mọi người khiêng cá vào đình để các bô lão chấm thi. Con cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống than rực lửa đỏ giữa sân để tế lễ thần, còn lại chia cho mọi người. Ai đánh được cá to nhất hoặc nhiều cá nhất được trao giải.
PV
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI