15:59:41 | 6/5/2010
Cát Bà – hòn đảo “ngọc” đang mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, đặc biệt nơi đây các di tích khảo cổ học có nhiều cả về số lượng, đa dạng về loại hình và đã có đủ tư liệu để xác định một nền văn hoá Hạ Long qua sự tồn tại của các di chỉ như: Cái Bèo, Ao Cối Vạ Bạc,…
Đây là những cơ sở quan trọng, và là một trong những lĩnh vực quan trọng để Cát Bà - Cát Hải đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, từng bước khai thác các giá trị ấy phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của huyện đảo, nhất là với kinh tế du lịch.
Đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải đã từng là nơi cư trú của con người kể từ thời kì nó gắn liền với lục địa (cách đây khoảng 18.000 – 10.000 năm). Sự có mặt của các di chỉ ngoài trời trên đảo Cát Bà đã chứng tỏ điều đó. Hiện Cát Bà có 77 điểm khảo cổ đã được phát hiện và khảo sát, trong đó có các di chỉ nổi tiếng như di chỉ Cái Bèo, di chỉ Bãi Bến, Cát Đồn… Ngoài ra, còn có nhiều di chỉ khác như: Tùng Gôi, Miếu Gôi, Làng Cũ, thành nhà Mạc…Trong đó đặc biệt nổi tiếng có di chỉ Cái Bèo thị trấn Cát Bà (đảo Cát Bà). Đến đảo ngọc Cát Bà, du khách được giới thiệu di chỉ Cái Bèo, cách trung tâm đảo khoăng 1,5km. Di chỉ Cái Bèo được phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ ven biển khu vực liên quan thuộc vùng Vịnh Hạ Long ngày nay.
Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công cụ như: chày, bàn nghiến, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới…bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cột người (được xem là nhóm Oxtraolo – Melanedian); các xương răng động vật, xương thú (lợn rừng, nai, dê núi ). Đây là những hiện vật quý có giá trị lịch sử cao.
Theo các nhà khảo cổ học thì di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, bởi phân tích rõ ra là cư dân đã sinh sống cách đây 6.475 – 4.200 năm. Có thể đây là lớp cư dân đầu tiên chiếm lĩnh vùng biển Đông bắc Việt
Có thể khẳng định Di chỉ Cái Bèo là một di tích có giá trị khoa học, lịch sử và truyền thống văn hoá. Là một di chỉ gần như duy nhất điền đầy đủ vào khoảng trống trong tiền sử vùng Đông Bắc Việt Nam giai đoạn sau 10.000 năm đến 5.000 năm đã được phát hiện từ rất lâu và trải qua đến mấy chục năm được nghiên cứu, giá trị lịch sử truyền thống của di chỉ này đã được các nhà khoa học tuyên bố, trong đó có cả những nhà khoa học mà nay là nhà quản lý cấp cao của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) - Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu. Vì giá trị của di tích, cần thiết lập hồ sơ đề nghị đưa vào hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Trên cơ sở đó có kế hoạch bảo vệ nốt phần diện tích còn quá ít ỏi còn lại của di chỉ; nghiên cứu thành lập một bảo tàng tại chỗ trưng bày và giới thiệu các di vật đã từng được khai quật, phục dựng lại mô hình đời sống cổ xưa với phương thức kinh tế khai thác biển độc đáo của người Cái Bèo.
Trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch tại Cát Bà, hướng du lịch sinh thái, văn hoá cổ là khuynh hướng sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch. Nhiều người sẽ rất muốn đến thăm nơi mà cách đây hàng ngàn năm con người đã sống, đánh bắt được rất nhiều cá biển, thú rừng loại lớn, lại biết làm đồ gốm, biết chế tác công cụ đá. Như vậy, nếu ta chuẩn bị kỹ lưỡng các tư liệu khoa học đáp ứng nhu cầu hiểu biết trên, chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch, đồng thời sẽ nâng cao được hiệu quả giáo dục cộng đồng về các tri thức văn hoá, ý thức bảo tồn, trân trọng bản sắc văn hoá cổ của dân tộc, lòng tự hào về lịch sử của đảo.
Hơn lúc nào hết đã đến lúc huyện đảo Cát Hải cần có cái nhìn nghiêm túc, có chiến lược xây dựng một khu trưng bày cả trong nhà và ngoài trời lấy đây là điểm khởi đầu của du lịch khảo cổ học trên đảo Cát Bà. Việc làm đầu tiên là cần phải có một bản đồ địa chính của di chỉ, xây dựng đề án trưng bày khai thác phát huy giá trị khảo cổ học của hệ thống các di chỉ mà trung tâm là di chỉ khảo cổ học Cái Bèo. Trong tháng 3 năm 2009, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho khu di chỉ Cái Bèo, đây là cơ hội cho việc nhanh chóng tổ chức triển khai xây dựng khu trưng bày để khai thác giá trị văn hoá của di chỉ.
PV
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc