Vườn Quốc gia Cát Bà: Minh chứng cho sự phát triển bền vững

16:05:54 | 6/5/2010

Quần đảo Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới là một trong những địa chỉ được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến và thực sự đang trở thành minh chứng quan trọng của Liên Hợp Quốc, UNESCO và đất nước Việt Nam cho sự phát triển bền vững.

Lý do để trở thành minh chứng tiêu biểu là bởi nơi đây đã thực hiện thành công nhiều dự án, đề án về nuôi dưỡng phát triển khu dự trữ sinh quyển, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Quần đảo Cát Bà.

Kể từ ngày được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (19/12/2004), Quần đảo Cát Bà đã được lãnh đạo các cấp của thành phố Hải Phòng coi trọng bằng việc thành lập Ban quản lý và ban hành Quy chế quản lý nhằm “bảo tồn và phát triển” tài sản thiên nhiên quý giá này. Không những thế, việc Quy hoạch bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển còn được lồng ghép một cách hữu cơ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo Cát Hải đến năm 2010 tầm nhìn 2020. Đồng thời, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng tích cực chủ động trong việc tạo và giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn, hỗ trợ cộng đồng tại khu vực.

Bằng những cách làm cụ thể thiết thực, trong thời gian vừa qua, Vườn quốc gia Cát Bà đã được các tổ chức, chuyên gia có chuyên môn nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình bảo đảm cho sự sinh trưởng và phát triển bền vững của khu vực này, trong đó, mô hình làng sinh thái tại xã Xuân Đám như một điển hình cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Song song đó, việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường biển thông qua quy hoạch sắp xếp các lồng, bè cá trên biển, chuyển giao công nghệ sinh sản tu hài (gà biển) và ươm nuôi tu hài thương phẩm, nuôi ghép cá và nhuyễn thể để lọc nước cải tạo môi trường, nuôi cấy rong cước có giá trị kinh tế cao, thu gom rác... đều đem lại những thành công. Riêng đối với rừng, công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên và trồng mới rừng tại vùng đệm đều được thực hiện nghiêm túc, đồng thời tiến hành khôi phục việc trồng cam tại xã Gia Luận, sản xuất rau an toàn và trồng tre lấy măng, cây dược liệu, khai thác nhựa thông tại vùng đệm đang trở thành mô hình kinh tế phù hợp với đời sống người dân địa phương. Riêng hai xã Xuân Đán và Việt Hải đang là mô hình thử nghiệm làng kinh tế - sinh thái tiêu biểu, mô hình này đã tạo nên những cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân quanh vùng, phù hợp với yêu cầu bảo tồn và phát triển của khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ngoài ra, vấn đề bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm như Voọc đầu vàng, Voọc đầu trắng, cây Kim Giao cũng đều được thực hiện nghiêm túc và cho kết quả cao.

Nhận thức rõ và để phát huy tốt hơn nữa công tác bảo tồn, xây dựng Cát Bà thành mô hình mẫu về sự phát triển bền vững, theo Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà thì những việc cần làm hiện nay là: nâng cao năng lực bảo tồn, quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà và Hạt Kiểm lâm huyện Cát Hải; Xây dựng cơ sở dữ liệu sinh quyển, lập chương trình, kế hoạch bảo tồn các loại động vật đặc hữu và quý hiếm như Voọc Đầu Vàng, Voọc Cát Bà, Sơn Dương, nhím, cao cát, beo lửa; Đẩy mạnh các hoạt động trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng phù hợp với sinh thái; Bảo tồn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, tiếp cận các tiêu chí di sản thiên nhiên thế giới; Xây dựng mô hình phát triển kinh tế chất lượng để chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân; nâng cao nhận thức bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng dân cư.

Quần đảo Cát Bà đang hứa hẹn trở thành khu dự trữ sinh quyển có công tác bảo tồn, gìn giữ cho sự sinh trưởng, phát triển của hệ động, thực vật tốt nhất ở Việt Nam và thế giới, nó như một minh chứng quan trọng, biểu thị cho sự phát triển bền vững của các khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới.

Thái Đạt