Kinh tế tuần hoàn: Giải pháp tối ưu hướng đến nền kinh tế xanh

16:54:38 | 21/10/2019

Dow và Khu công nghiệp DEEP C vừa hoàn tất xây dựng đoạn đường giao thông dài 200m được gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên tại khu công nghiệp DEEP C, Hải Phòng, Việt Nam. Đây là kết quả hợp tác giữa Dow và DEEP C nhằm mang lại những giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Một mô hình cần nhân rộng

Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang phát triển các ứng dụng mới cho rác thải nhựa sinh hoạt để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tạo giá trị cho nhựa và giảm thiểu rác thải ra môi trường. Dự án này là sự hợp tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, gắn kết chính quyền địa phương, các nhà đầu tư hạ tầng, nhà cung cấp asphalt, các đơn vị thu gom rác thải và ngành khoa học vật liệu cùng phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa tại Việt Nam.

Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) cung cấp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 – 1800C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.

Trước khi trải nhựa đường thực tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hai thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Sau khi triển khai thành công dự án này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C.

Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C, việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành khu công nghiệp sinh thái đi đầu tại Việt Nam của DEEP C.

Giai đoạn tiếp theo của dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11 năm 2019, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1.4 km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6.5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác – tương đương với hơn 1.7 triệu bao bì nhựa dẻo.

Tăng trưởng kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các hiệp định thương mại tự do, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường... thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh – tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.

Trong xu hướng hiện nay, cơ hội về phát triển bền vững mở ra cho các doanh nghiệp rất lớn, khoảng 12 tỷ USD/năm theo ước tính của các tổ chức quốc tế; trong đó, riêng cơ hội về kinh tế tuần hoàn là khoảng 4,5 tỷ USD/năm.

“Chúng ta vẫn phải đấu tranh giữa kinh doanh, đầu tư và sản xuất với bảo vệ môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết tốt sự xung đột này. Nền kinh tế phi rác thải và bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các công nghệ sáng tạo, đầu tư để đưa ra công nghệ tốt và hóa thân vào mô hình kinh doanh. Đã tới lúc nói ít hơn và làm nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cần hành động nhiều hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững hơn cho Việt Nam, trong đó có vai trò to lớn của doanh nghiệp” , ông Vinh nói.

Nói rộng hơn, kinh tế tuần hoàn còn là niềm cảm hứng, là động lực khuyến khích các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ sáng tạo và các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn. Đó chính là nhiệm vụ của doanh nghiệp và cũng là việc mà VBCSD-VCCI đang nỗ lực thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Ernesto  Hartikainen, Chuyên gia cấp cao về kinh tế tuần hoàn của Tổ chức Sitra, với việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển ở nhiều quốc gia trên toàn cầu sẽ tạo nên 1 hệ thống thu hồi chủ động để giữ lại khối lượng và các giá trị lớn hơn cho nền kinh tế. Thậm chí, kinh tế tuần hoàn còn có thể giúp giảm 56% lượng khí thải CO2 vào năm 2050 trên toàn cầu.

Anh Mai