09:28:05 | 20/10/2019
Mới đây, tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tham dự hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM,...
Để đi tới hội nghị tổng kết toàn quốc hôm nay, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức 4 hội nghị tổng kết ở các vùng trên cả nước. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đề ra mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường".
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo "xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật từng bước được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện. Tới nay sau 10 năm triển khai thực hiện, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ); 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; chương trình hoàn thành trước gần 2 năm so với chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.
Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được trên 2,4 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách nhà nước trên 670 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7%); vốn tín dụng trên 1,39 triệu tỷ đồng (chiếm 57,6%); vốn doanh nghiệp trên 118 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,9%); đóng góp của nhân dân gần 236 nghìn tỷ đồng (chiếm 9,8%). Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, hiện đại hóa một bước theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn, sau hơn 9 năm, cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm, như tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90%.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng còn một số điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện trong giai đoạn tới, với nhiều thách thức bên trong và bên ngoài đến từ biến đổi khí hậu, từ thị trường, từ quá trình hội nhập sâu rộng.
Do đó, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, nhiệm vụ thời gian tới để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tới đây, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh sẽ rất khó lường, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hội nghị cũng đánh giá, nhận diện rõ được những tồn tại, hạn chế; đưa ra giải pháp đồng bộ để khắc phục, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 54 ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trước đó ngày 18-10, đoàn đại biểu đã đi tham quan thực tế xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam; lễ vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; triển lãm thành tựu 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước. Tối cùng ngày đã diễn ra Lễ vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Minh Ngọc
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI