08:20:41 | 30/12/2024
Tại Diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” do Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đã diễn ra tại Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ những kết quả và định hướng phát triển xanh các KCN Vĩnh Phúc.
Hạ tầng sạch đón nhà đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Duy Đông cho biết: Quy mô nền kinh tế năm 2023 của Vĩnh Phúc là 158,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD, đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố trong cả nước.Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế...
Với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh, vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, rất thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với chủ trương, định hướng quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã tiến hành quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển của tỉnh thời kỳ 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành lĩnh vực liên quan. Trong đó, quy hoạch, phát triển các KCN gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc nhằm hình thành hệ thống các khu công nghiệp được phân bố hợp lý trên địa bàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất bảo đảm phát triển bền vững và thực sự trở thành động lực cho sự phát triển chung toàn tỉnh.
Tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có: 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó: 09 KCN đã đi vào hoạt động (gồm KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc). 03 KCN đang triển khai xây dựng. Với tỷ lệ tính theo đất được giao là trên 70%, các KCN đều hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích khoảng 4.800 ha và đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích trên 5.500 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Với sự đổi mới, năng động sáng tạo của chính quyền các cấp nên thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả cực. Lũy kế đến hết 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó: 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8.4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư với TVĐT khoảng 145,151 nghìn tỷ đồng đến từ 20 Quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số dự án đến từ châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, riêng các KCN Vĩnh Phúc, số dự án và số vốn đầu tư vào KCN chiếm tỷ lệ 75-80% trong toàn Tỉnh tạo ra trên 120.000 việc làm cho người lao động.
Ưu tiên thu hút ngành nghề nào?
Theo Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc, mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là đến 2030 trở thành đô thị loại 1, hạt nhân trong vùng kinh tế phía Bắc Việt Nam. Là một trong những trung tâm kinh tế lớn của Vùng thủ đô Hà Nội và cả nước với các ngành chủ đạo là: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đào tạo - khoa học và du lịch - nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa, đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cũng như cả nước và quốc tế.
“Chúng tôi nhận thức rằng, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của Tỉnh; nhà đầu tư vào Tỉnh là công dân của Tỉnh, nên các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, sẵn sàng về điện, nước, viễn thông, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm trên thế giới và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, việc định hướng đầu tư phát triển KCN đạt hiệu quả cao và hướng tới phát triển bền vững là một trong những yêu cầu mang tính cấp bách hiện nay”, Chủ tịch Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh khuyến khích, thu hút các công ty đầu tư theo chuỗi, phát triển các ngành công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm và các dự án công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trên.
Về nông nghiệp, địa phương này ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Về du lịch, dịch vụ, tỉnh ưu tiên các dự án y tế, giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao, các dự án du lịch, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Về hạ tầng, Vĩnh Phúc ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo kết nối và liên kết cụm ngành; các dự án xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và sinh hoạt.
Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư tại các KCN Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), Compal (Đài Loan), Daewoo (Hàn Quốc)... đã góp phần hình thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc các ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và ngành điện tử, công nghiệp cơ khí, chế tạo... qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội của Tỉnh.
Nam Hưng (Vietnam Business Forum)