Xây dựng thủy điện la liệt trên sông Mê-Công: Nguy cơ tàn phá hạ lưu

16:35:32 | 14/12/2017


Chương trình Kết nối Lưu vực Mê Công bao gồm Trung tâm Stimson phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), Trường Đại học California Berkeley, Học viện Ngoại giao tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò tiềm năng của quy hoạch nước và năng lượng ở cấp độ hệ thống trong việc giữ gìn đồng bằng sông Cửu Long”.

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hội thảo và tọa đàm sẽ được tổ chức từ ngày 29/11 đến 2/12 tại thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với nguồn vốn hỗ trợ của Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồ Chí Minh, Quỹ Chino Cienega và Chương trình Ngoại giao nguồn Nước của Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy sỹ (SDC) thông qua Dự án “Xây dựng Đối thoại và Quản trị các dòng sông”.

Những tác hại có thể lường trước

Mục tiêu chính của chương trình này là thúc đẩy cách tiếp cận quy hoạch tổng thể nước và năng lượng với sự tham gia của bên bên liên quan tại Mê Công; kết nối và chia sẻ thông tin giữa các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan tại Việt Nam trong hợp tác nước – năng lượng xuyên biên giới; cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và các bên liên quan về các cơ hội và các công cụ có thể áp dụng trong quy hoạch để tối ưu hóa việc sử dụng nước – năng lượng và giảm thiểu các tác động tiêu cực Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam là nơi sinh sống của hơn 18 triệu dân, sản xuất hơn nửa sản lượng lúa của Việt Nam và cung cấp 75% lượng hoa quả và nguồn lợi thủy sản cho cả nước. Tuy nhiên, năng suất nông nghiệp của Đồng bằng phụ thuộc rất nhiều và nguồn phù sa và dinh dưỡng thường xuyên mà dòng sông Mê Công đem đến. Và, các dự án phát triển thủy điện ở thượng nguồn đang gây ra những tác động đe dọa đến chu trình luân chuyển này.

Trong khi đó, Chính phủ Lào đang đặt ra mục tiêu phát triển trọng tâm đưa quốc gia này trở thành “Bình ác quy của Đông Nam Á”. Để đạt được mục tiêu này, các nhà hoạch định chính sách tiến hành xây dựng nhiều dự án thủy điện mới nhưng lại thiếu một quy hoạch chiến lược ở cấp lưu vực. Điều này sẽ khiến Lào không những sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu như mong muốn mà còn gây ra các tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở hạ lưu tại Việt Nam và Campuchia.

Chính phủ Lào hiện đang lên kế hoạch xây dựng hai đập lớn trên dòng chính của sông Mê-Công và đang tiến hành tham vấn để xây dựng đập thứ ba. Đồng thời, Lào và Campuchia đang lên kế hoạch xây dựng hơn 130 con đập lớn (công suất trên 50MW) trên các dòng nhánh của sông Mê-Công vào 2030.

Đi tìm giải pháp

Với vị thế vừa là quốc gia phát triển thủy điện ở thượng nguồn tại lưu vực sông 3S (Sê San, Srêpôk và Se Công) và cũng là nạn nhân hạ nguồn chịu tác động từ việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch, Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của Lào và Campuchia cùng tham gia tiếp cận quản lý tổng hợp nước và năng lượng một cách chiến lược, góp phần giảm tổng số lượng đập trong tương lai ở lưu vực sông Mê-Công.

Lượng điện tiêu thụ của Việt Nam đang gia tăng ở mức 10 -12 % một năm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng mỗi năm Việt Nam cần thêm 7-10% điện năng từ nay đến 2030. Việt Nam không có đủ nguồn tài nguyên trong nước để đáp ứng được nhu cầu này, điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ có thể trở thành thị trường tiêu thụ điện lớn nhất từ Lào và Campuchia. Các thỏa thuận mua điện thường đóng vai trò quyết định trong việc dự án nào được triển khai, nhờ đó, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn khi thương lượng với các quốc gia láng giềng trong việc phát triển sản xuất năng lượng.

Cuối cùng, các sáng kiến ngoại giao của Việt Nam đang kết nối với Lào và Campuchia, và các quan hệ chiến lược mới với các các đối tác bên ngoài như Hoa Kỳ sẽ tạo là nhân tố tạo sự thay đổi về mặt thể chế góp phần tăng cường đối thoại cấp khu vực.

Việc phát triển thủy điện ở Lào gần như hoàn toàn bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Các hợp đồng xây dựng đập thủy điện tại Lào càng ngày càng ít dần bởi: Thái Lan có thể sẽ không mua điện từ Lào nữa do họ có thể mua từ Myanmar, nơi có tiềm năng phát triển thủy điện cao gấp năm lần Lào; Trung Quốc đang dư thừa năng lực sản xuất điện và đang tìm kiếm khả năng xuất khẩu điện; Campuchia là một thị trường tương đối nhỏ và đã có khảnăng tự cung cấp 80% nhu cầu điện của mình.

Vẫn chưa quá muộn: chỉ dưới một phần ba của 140 đập đang, sẽ và dự kiến xây dựng ở Lào sẽ thực sự được xây dựng vào thời điểm 2020. Quan điểm được đưa ra bàn thảo ở đây không phải là yêu cầu Lào chấm dứt xây dựng đập mà quan trọng là cân nhắc kỹ lưỡng nên xây đập nào.

Mặc dù dự báo nhu cầu điện năng sẽ tăng gấp ba lần đền năm 2030, Quy hoạch Phát triển Điện VII của Việt Nam mới chỉ dự kiến nhập khẩu dưới 1% thủy điện từ Lào. QHĐ VII phản ánh quan niệm truyền thống cho rằng an ninh năng lượng đồng nghĩa với độc lập về năng lượng. Tuy nhiên độc lập về năng lượng là điều không thể: Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng từ năm 2015, và sẽ phải lựa chọn giữa nhập khẩu thủy điện của Lào và/hoặc than từ Indonesia hoặc Australia. So với việc nhập khẩu than thì việc mua bán điện với Lào sẽ giúp giảm chi phí và bền vững hơn trước các khủng hoảng về khí hậu và chính trị có thể xảy ra trong tương lai.

Với việc tăng đáng kể việc mua bán điện từ Lào (ví dụ, đến mức tương đương với Thái Lan đang mua), Việt Nam có thể Đưa ra các điều kiện để đảm bảo các đập thủy điện có nguy cơ gây ra tác động tiêu cực tới Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không được xây dựng; Giảm sự phụ thuộc vào than và giúp cả Việt Nam và Lào thực hiện cam kết Paris.

Giá các loại năng lượng tái tạo đã giảm rất nhanh chóng và trở nên cạnh tranh hơn so với thủy điện và than. Mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo chính có thể hỗ trợ phát triển ngành sản xuất năng lượng tái tạo vốn rất mạnh của Việt Nam (việc sản xuất trong nước có thể sẽ phát triển nhanh chóng khi chính phủ tăng giá năng lượng tái tạo gần tới mức giá thương mại).

Tuy nhiên, hiện chưa có thể chế hoặc khung quy hoạch nào đủ mạnh để thực hiện được việc quy hoạch thủy điện cấp khu vực; Ủy hội Mê Công chưa đủ năng lực để thực hiện việc này. Vì vậy, vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam trong quy hoạch thủy điện cấp khu vực, vì thế rất cần thiết.

Vấn đề Mê Công cũng quan trọng như vấn đề Biển Đông trong an ninh quốc gia và cần sự quan tâm và hành động ở tất cả các cấp bao gồm chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu. Vì vậy, cần có sự tham gia rộng rãi dựa trên các mặt ngoại giao và ngành kinh tế để thay đổi quan niệm về phát triển thủy điện ở Lào và Campuchia.

Hương Ly