Một trong những mục đích của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính là kỳ vọng được chuyển giao về công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 (WEF 2016), hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng bị đẩy ra xa so với các quốc gia trong khu vực.
Chuyển giao công nghệ (CGCN) gần như là mục tiêu hàng đầu của các nước đang phát triển mỗi khi tìm kiếm đối tác nước ngoài. Đối với Việt Nam. đầu tư trực tiếp nước ngoài đem lại kỳ vọng thổi một luồng sinh khí công nghệ mới giúp phát triển mặt bằng công nghệ Việt Nam.Tuy nhiên thực tế 30 năm qua (kể từ khi dòng vốn FDI chính thức đầu tiên vào Việt Nam), chúng ta chưa “gặt hái” được bao nhiêu về CGCN.
Trong bức tranh toàn cảnh ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy tình trạng sử dụng công nghệ cũ khá phổ biến tại các doanh nghiệp trong nước. Một báo cáo mới được công bố ngay trong tuần này của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có một nội dung liên quan đến công nghệ cho thấy: Năm 2015, chỉ 14% số doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo sử dụng công nghệ dưới 3 năm, 53% sử dụng công nghệ từ 6 năm trở lên. Và hiện tại thì có đến 75% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo ở Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng lớn hơn mức trung bình của thế giới do sử dụng công nghệ cũ.
Mặc dù là một trong những quốc gia có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng mức độ chuyển CGCN của khu vực FDI đến với khu vực kinh tế trong nước còn rất thấp và có xu hướng ngày càng giảm. Vẫn theo Báo cáo nói trên - WEF 2016 thì năm 2009 hiệu quả CGCN từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí này; nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau năm năm, thấp hơn nhiều so với vị trí các nước khu vực như Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Campuchia thứ 44.
Đã có những số phân tích chi tiết tình hình CGCN ở Việt Nam đến năm 2015 cho thấy: Tỷ lệ hợp đồng chuyển giao công nghệ trong số dự án FDI chỉ đạt 4,28%. Ngành công nghệ cao duy nhất tăng nhanh, góp 12,2% về giá trị gia tăng là ngành điện tử, máy tính và sản phẩm quang học. Tuy nhiên các công đoạn được thực hiện ở Việt Nam chỉ là lắp ráp, tính thủ công và chưa có yếu tố công nghệ cao. Đồng thời đóng góp tới 49% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp lại bao gồm ba ngành công nghệ thấp là công nghiệp chế biến, may mặc, giày da và hai ngành công nghệ trung bình là ngành khai khoáng, ngành thép. Kết quả cũng thể hiện ở tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp Việt Nam: chỉ đạt khoảng 2,4%/năm (giai đoạn 2006-2015), tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân của nền kinh tế khoảng 3,9%.
Thiếu các qui định ràng buộc về CGCN
Theo nhận xét của một quan chức Bộ Khoa học & Công nghệ: Các DN FDI đầu tư vào Việt Nam mục đích để sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận, họ tận dụng những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn… để tăng doanh thu, chứ không phải mục đích CGCN cho DN trong nước. Đa số các DN FDI đầu tư vào Việt Nam bằng hình thức 100% vốn nước ngoài chứ không phải bằng hình thức liên doanh, liên kết, do đó họ không có trách nhiệm phải CGCN cho các DN Việt Nam.
Mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành từ năm 1987 và các Luật điều chỉnh Luật Đầu tư, các Luật liên quan khác đầu thể hiện rõ quan điểm khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam nhưng các qui định và chính sách kèm theo chưa đủ hấp dẫn, các ràng buộc chưa đủ mạnh. Các qui định về % nội địa hóa trong sản phẩm mới chỉ áp dụng với một số ngành và tỉ lệ yêu cầu còn thấp.
Mặt khác, việc phân cấp đầu tư cho các địa phương đã nảy sinh tình trạng địa phương đua nhau xây dựng khu công nghiệp, cạnh tranh trong chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, lấy số lượng bù chất lượng. Do vậy một số doanh nghiệp không đủ điều kiện bị từ chối đầu tư ở địa phương này nhưng vẫn đầu tư được ở địa phương khác.
Bao giờ kỳ vọng thành hiện thực
CGCN là một hành trình dài. Một chu trình chuyển giao công nghệ được xem là hoàn tất khi bên nhận chuyển giao làm chủ được công nghệ và từ nền tảng đó tiếp tục tự nghiên cứu phát triển thêm. Hầu hết các nước có công nghệ đi sau sẽ nhập công nghệ qua kênh FDI rồi chuyển sang hình thức chuyển nhượng, sau đó chủ động nghiên cứu và phát triển, chủ động khai thác công nghệ, làm chủ và sáng tạo.
Hàn Quốc mất khoảng 40 năm để hoàn tất giai đoạn này để bắt kịp mức phát triển chung. Bắt đầu từ năm 1960 đất nước này bắt đầu nhập công nghệ qua FDI dưới dạng trao tay, đến những năm 1990 dần chuyển sang hình thức ODM (sản xuất thiết kế gốc) trong một số lĩnh vực.
Là một trường hợp vượt qua giai đoạn “bắt kịp” trong một thời gian ngắn Thái Lan cũng mất 10 năm từ 1986-1995. Trong giai đoạn đó, sự phát triển về vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nội địa Thái đã phát triển chóng mặt, chiếm tới 72% tư bản trong nền kinh tế, khối FDI chỉ chiếm 28%. Các doanh nghiệp FDI tại Thái Lan tuy vẫn giữ vai trò mũi nhọn về công nghệ và vốn nhưng bị buộc phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nội địa trong hàng loạt khâu và quy trình sản xuất.
Còn tại Việt Nam? Sau 30 năm thu hút FDI, mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực ngày 1/7/2018 sẽ vừa giúp quản lý tốt, tránh Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghệ của thế giới, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nguyễn Thanh