Khoảng trống về chính sách phát triển thị trường đất nông nghiệp

11:05:06 | 20/12/2017


Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, tuy nhiên thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển lành mạnh, không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Trong chính sách đất đai vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy.

10 triệu ha với 70 triệu thửa


Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi sự phối hợp của CIEM với Viện Khoa học Quản lý đất đai, thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có có tổng diện tích đất nông nghiệp (không bao gồm đất lâm nghiệp) hơn 10 triệu héc-ta, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân đang canh tác, sử dụng.



Diện tích bình quân của nông hộ cả nước là 6.603,3 m2, trong đó khu vực Tây Bắc lớn nhất với 15.872,4 m2/hộ và Tây Nguyên 15.002,8 m2/hộ, sau đó đến khu vực Đông Bắc 9.275,4 m2/hộ, Đông Nam bộ 8.359,6 m2/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long 7.994,9 m2/hộ và thấp nhất là khu vực Đồng bằng Bắc bộ với 2.440,5 m2/hộ. Số thửa đất bình quân của nông hộ cả nước là 3,9 thửa/hộ và khu vực có số thửa ít nhất/hộ là Đông Nam bộ (1,6 thửa/hộ) và Đồng bằng sông Cửu Long (1,5 thửa/hộ) và khu vực có số thửa/hộ nhiều nhất là Tây Bắc (7,1 thửa/hộ), Đông Bắc (6,3 thửa/hộ). Sự manh mún và quy mô nhỏ về đất đai đang là rào cản lớn cho sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Tích tụ đất vướng hạn điền

Tính đến năm 2016, cả nước có 33.500 trang trại, tăng 67,2% so với năm 2011, bình quân tăng 10%/năm. Số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng mạnh với 3.846 DN năm 2016, tăng 49% so với năm 2011. Trong đó, DN có số vốn từ 10 tỷ đồng trở lên tăng tới 76,2%. Hiện, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của các chủ thể đang có sự thay đổi mạnh; chuyển từ hộ tiểu điền sang đại điền, doanh nghiệp. Nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới được công bố đầu tháng 12/2017, CIEM cho biết có tới 63% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, cho thấy tiếp cận đất đai đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp (DN) nông nghiệp. Khoảng 50% DN đánh giá dịch vụ đất đai “không có thay đổi gì” và có trên 1/3 số DN “không biết” về dịch vụ đất đai.

Nhằm khuyến khích nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ sản xuất quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường đất nông nghiệp, Chính phủ đã khuyến khích nhiều hình thức như: cho phép lập trang trại từ việc thuê đất công với đất tư, nhận chuyển nhượng, mượn hoặc được giao, được thừa kế, cho tặng; Dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ, có dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp;…Tuy nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở các trường hợp tình thế mà chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3ha đối với khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, không quá 2ha đối với tỉnh khác. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10ha đối với khu vực đồng bằng; không quá 30ha đối với vùng trung du, miền núi. Với chính sách hạn điền này, cả DN và nông dân đều không đủ đất để sản xuất, không cơ giới hóa được, dẫn đến không thực hiện nông nghiệp công nghệ cao được – nhận xét của PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng CIEM.

Khoảng trống nào cần lấp?

Để tăng tính linh họat cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, quản lý đất đai có 5 nội dung cơ bản là: quy hoạch đất đai, giao cho thuê, thu hồi, thanh tra và kiểm tra giám sát. Để hình thành được thị trường đất nông nghiệp, cần có các qui định trong đó đất đai là tài sản và vốn thực thể trong xã hội, được mua bán công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cần có sự ổn định trong quy hoạch đất đai thì từ đó mới có thị trường. Đặc biệt khi thay đổi quy hoạch Nhà nước cần chú ý đến mục đích của người sử dụng, PGS.TS Trần Kim Chung khuyến cáo.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề cốt lõi là cần sớm điều chỉnh các qui định đã không còn phù hợp trong Luật Đất đai 2013 để từ đó tiếp tục hoàn thiện các nội dung còn đang cản trở việc hình thành một thị trường đất nông nghiệp hoàn chỉnh và lành mạnh, như: công tác quy hoạch, hình thức giao đất, thuê đất; thời hạn và hạn mức sử dụng đất; hoàn thiện hạ tầng thông tin đất đai…

Nguyễn Thanh