FDI 2017: Kỷ lục hút vốn và giải ngân

10:07:27 | 2/1/2018


Năm 2017 trở thành năm kỷ lục trong thu hút đầu tư nước ngoài với các dự án hàng tỷ USD và cũng là năm giải ngân kỷ lục vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016. Có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.

Như vậy, xét cả về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, kỷ lục đều được xác lập. Nếu chỉ tính riêng vốn FDI, con số là trên 29,68 tỷ USD. Còn vốn đầu tư gián tiếp, thông qua các giao dịch góp vốn, mua cổ phần mà không thông qua sàn chứng khoán, là 6,19 tỷ USD.

Kỷ lục cũng được xác lập đối với cả vốn giải ngân 17,5 tỷ USD. Kể từ khi bắt đầu thu hút FDI 30 năm qua, đây là lần đầu tiên, vốn FDI giải ngân cán mốc cao như vậy. Trong 10 năm qua, vốn FDI thực hiện chỉ xoay quanh ngưỡng 11-12 tỷ USD, khiến nhiều chuyên gia còn bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Thực tế, đây mới chỉ là vốn FDI thực hiện, khoản vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chưa được tính. Khi báo cáo Quốc hội hồi cuối tháng 10/2017, Cục Đầu tư nước ngoài tính toán rằng, khoản giải ngân đối với phương thức đầu tư này trong năm nay có thể lên tới 3 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, chỉ riêng năm 2017, đã có trên 20 tỷ USD vốn nước ngoài được giải ngân, góp phần quan trọng nâng cao vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó tạo nền tảng quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để có được kết quả ấn tượng trên, không thể không nhắc đến 5 dự án tỷ USD đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm qua. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá, quy mô 1.200 MW. Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa, công suất 1.320 MW; và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang.

Ngoài ra, còn có Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn đăng ký 885,85 triệu USD, tại TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ tính riêng 5 dự án trên và dự án quy mô lớn ở TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp tới trên 12 tỷ USD, chiếm trên 40% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư trong những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ hiện tại, đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quỳnh Chi