Vĩnh Phúc: Bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhiều gam màu sáng

10:18:07 | 3/1/2018


Ông Đỗ Đình Việt
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc
Việt Nam tổ chức thành công năm APEC 2017 đúng vào thời điểm tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Sau 30 năm mở cửa, đến nay khu vực FDI đã và đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Trong việc thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng, bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, có thể nói hiện nay các địa phương đang tham gia vào một “cuộc đua sòng phẳng” để thu hút nhà đầu tư và chỉ có thể giành ưu thế bằng nội lực của chính mình.

Là tỉnh được tái lập năm 1997, những năm qua, Vĩnh Phúc đã nổi lên trở thành điểm đến có sức hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vĩnh Phúc là một trong số ít địa phương đã tự chủ được thu chi ngân sách từ năm 2004 và luôn đứng trong nhóm những tỉnh thành có đóng góp ngân sách lớn nhất miền Bắc.

Tối ưu hóa lợi thế

Những chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc là kết quả của sự nỗ lực không ngừng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo tỉnh nói chung và ngành kế hoạch đầu tư Vĩnh Phúc nói riêng. Ngay từ những ngày đầu tái lập cho đến nay, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư là nhiệm vụ chính trị ưu tiên. Phương châm “Các doanh nghiệp đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”. Theo đó, các nhà đầu tư luôn được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; linh hoạt vận dụng các chính sách của Nhà nước Việt Nam phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Với quyết tâm đó, Vĩnh Phúc đã tạo ra được những thế mạnh và khác biệt trong môi trường đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc chỉ cần thông qua cơ quan đầu mối duy nhất là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để nộp hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông với thời gian giảm từ 1/3 đến một nửa so với quy định chung của Việt Nam và hỗ trợ trực tiếp các ngoại ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung.

Về quy hoạch, Vĩnh Phúc đã có quy hoạch đồng bộ, khép kín theo lãnh thổ định hướng cho đầu tư phát triển bền vững. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch ngành và lĩnh vực đã hoàn thành.



Quy hoạch xây dựng đến nay đã khép kín theo lãnh thổ; quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Nikken Sekkei Engineering Civil Ltd, (Nhật Bản) thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2010.

Về mức độ sẵn sàng của hạ tầng, ở cấp tỉnh và cấp huyện đều có cơ quan chuyên trách làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất giao cho nhà đầu tư triển khai dự án. Hạ tầng kinh tế - xã hội đã và đang được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, cả đô thị và nông thôn để tận dụng tối đa những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thuận lợi như nằm trong 03 vùng quy hoạch trọng điểm, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt quốc gia, đường xuyên Á chạy qua, đường thủy và tiếp giáp cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã tranh thủ tốt sự hỗ trợ từ các dự án hạ tầng do Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản tài trợ vốn.

Về nguồn nhân lực, hiện Vĩnh Phúc đang có cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ sống phụ thuộc thấp, tỷ lệ lao động trong tổng dân số chiếm tới 62%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hằng năm đạt trên 50%, đáp ứng nhu cầu về lao động cho doanh nghiệp.

Như vậy, các doanh nghiệp FDI lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư vì Vĩnh Phúc có nền công nghiệp phát triển, nguồn lao động dồi dào, kết cấu hạ tầng phát triển và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh rất đáng ghi nhận. Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố (tháng 4/2017) thì trong bảng xếp hạng PCI 2016, Vĩnh Phúc góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Có thể thấy, từ vị trí số 43 năm 2012, sau 4 năm, Vĩnh Phúc vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạnh 63 tỉnh thành đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tối ưu hóa những lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI.

Chủ động, linh hoạt trong xúc tiến đầu tư

Những năm qua, hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư đã được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng, xác định đây là một trong những giải pháp chủ yếu để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong giai đoạn từ khi tái lập đến năm 2012 công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được giao cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh là cơ quan đầu mối thực hiện. Từ năm 2012, Vĩnh Phúc thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Trong quá trình thực hiện, Vĩnh Phúc thường xuyên đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án thu hút đầu tư; thay đổi phương thức vận động đầu tư theo hướng cách tiếp cận nhà đầu tư mục tiêu ở trong nước, nước ngoài để cung cấp thông tin, mời gọi đầu tư. Hình thức XTĐT tại nước ngoài không tổ chức quy mô lớn, đối tượng chung chung mà theo ngành, lĩnh vực, dự án cần kêu gọi tùy thuộc vào thế mạnh của mỗi nước. Thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, hạn chế những dự án sử dụng nhiều đất, giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không thu hút những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đối với hoạt động XTĐT, tỉnh đã chỉ đạo từng bước có sự gắn kết với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để tránh gây lãng phí cho ngân sách của tỉnh.

Từ năm 2014, tỉnh đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch XTĐT từng năm theo đúng quy định của Chính phủ. Do đó hoạt động XTĐT đã được triển khai thống nhất và luôn có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng danh mục dự án cần thu hút đầu tư theo từng thời kỳ, giai đoạn để làm căn cứ triển khai thực hiện.

Công tác tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được quan tâm chú trọng qua nhiều kênh thông tin khác nhau: Trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và của tỉnh, chủ đạo là Trang XTĐT và tài liệu XTĐT bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung; lồng ghép quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh qua các sự kiện tổ chức trong và ngoài nước; phối hợp với các tổ chức hỗ trợ, tư vấn đầu tư trong và ngoài nước cung cấp thông tin của tỉnh đến các nhà đầu tư có nhu cầu quan tâm; tổ chức các hội thảo XTĐT trong nước và nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ… thông qua các diễn đàn, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, các đoàn XTĐT nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc rất quan tâm đến công tác XTĐT tại chỗ, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thực hiện chăm sóc tốt các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư. Nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện như: đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các TTHC về đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông tại Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; định kỳ hàng quý tiến hành khảo sát nắm bắt tình hình và khó khăn của doanh nghiệp theo kênh độc lập; tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh; thiết lập, duy trì hoạt động của Cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền; lãnh đạo tỉnh gặp gỡ doanh nhân vào chiều thứ sáu hàng tuần để kịp thời năm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ đó, “hữu xạ tự nhiên hương” chính các nhà đầu tư, doanh nghiệp thành công sẽ giúp tỉnh thu hút đầu tư.

Vĩnh Phúc đã trở thành nơi đặt trụ sở chính của nhiều doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu thế giới về công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam như Honda, Toyota, Piaggio,… và nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn khác. Nếu như năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI đầu tư thì tính đến tháng 12/2017 đã có 265 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD. Vĩnh Phúc đã từng bước trở thành trung tâm phát triển công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp điện tử - viễn thông phía Bắc Việt Nam. Các tập đoàn Toyota, Honda (Nhật Bản), Piaggio (Italy), Daewoo (Hàn Quốc) đã đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy thành công tại Vĩnh Phúc. Một số tập đoàn điện tử lớn như Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Foxconn, Compal (Đài Loan - Trung Quốc) đã đầu tư tại Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố lân cận là cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp phụ trợ về cơ khí, điện tử, tin học, viễn thông. Số dự án FDI đã tăng nhanh cả về chất và lượng, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Từ năm 1997 đến 2016, thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng khoảng 300 lần (100 tỷ đến gần 30 nghìn tỷ đồng).

Có thể nói, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc. Bên cạnh những kết quả tích cực, khu vực FDI trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như tổng thể nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp; mục tiêu thu hút công nghệ và chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng,…

Trên cơ sở thành công và một số tồn tại cần khắc phục, thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và đóng góp vào phát triển bền vững trong dài hạn và khu vực FDI cần đóng vai trò làm cho nền kinh tế phát triển hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu. Định hướng đến năm 2020 Vĩnh Phúc sẽ phát triển được khu vực FDI có tiềm lực cao hơn về công nghệ và sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ sản xuất lắp ráp và gia công như hiện nay; đồng thời tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2018- 2020 sẽ thu hút được khoảng 85-90 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 0,75- 1 tỷ USD và đến năm 2020 vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 65% tổng vốn đăng ký đang rất khả thi.

Diện tích tỉnh Vĩnh Phúc:
1235,15km2
Dân số tỉnh Vĩnh Phúc (2017):
1.066.200 người
GRDP tỉnh Vĩnh Phúc (2017):
785.636 tỷ VNĐ
Đầu tư FDI (đến hết tháng 12/2017):
3,75tỷ USD
Đầu tư DDI (đến hết tháng 12/2017):
67.516 tỷ VNĐ
Xếp hạng PCI (2016): 9/63

Đỗ Đình Việt
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc