15:36:55 | 5/5/2010
Là tỉnh thuần nông còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,… một thời gian dài Thái Bình không gây được nhiều chú ý cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bức tranh thu hút đầu tư ở Thái Bình thời gian gần đây đã có khởi sắc từ những chính sách thông thoáng của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỉnh vẫn thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư. Để thu hút và khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng và san lấp mặt bằng. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo lao động, giá cho thuê đất được tính ở khung giá thấp nhất theo quy định. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một đầu mối được đẩy mạnh, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động của các doanh nghiệp. Việc cấp giấy phép, chấp thuận đầu tư cho các dự án FDI trong thời hạn từ 2 - 3 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Xác nhận đăng ký nhân sự của doanh nghiệp trong vòng 48 giờ. Ông Oun Purin Kaowsiri Giám đốc Công ty TNHH TAV cho biết: “Các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thái Bình thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lâu dài”.
Chính nhờ những chính sách ưu đãi này, bức tranh thu hút đầu tư ở Thái Bình ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 331 dự án với tổng số vốn đầu tư là 12.958 tỷ đồng, thu hút 105.328 lao động; trong đó có 227 dự án đi vào sản xuất với số vốn đầu tư khoảng 6.797 tỷ đồng và sử dụng 69.384 lao động. Riêng dự án đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm 2008 có 11 dự án được cấp phép đầu tư vào tỉnh với tổng số vốn đăng ký 98,15 triệu USD, bằng 68,8% về số dự án và tăng 46,2% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2007. Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Hung Yi, Công ty Tân Đài Việt và Công ty may Nieng Shin đăng ký tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất với số vốn đăng ký tăng thêm là 11,7 triệu USD. Ước vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2008 tăng cao - khoảng 45 triệu USD, tăng 2,87 lần so với năm 2007. Đây là những tín hiệu đáng mừng ở một địa phương có truyền thống thuần nông như Thái Bình.
Nét mới trong phát triển công nghiệp của tỉnh là việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN. Công ty Thái Bình SHOSE đầu tư vào KCN Trà Lý khoảng 100 ha, Tập đoàn Đại Cường xây dựng KCN Sơn Hải, Công ty IDICO đầu tư KCN Cầu Nghìn. Các đơn vị khác như LICOGI và Tổng Công ty hạ tầng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt , SAMUSA, Đài Thăng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng các KCN mới. Đáng chú ý, các công ty đầu tư vào tỉnh đều có vốn lớn, công nghệ cao như Tập đoàn kinh tế Chân Mỹ Lệ (Hồng Công) với số vốn khoảng 100 triệu USD; Công ty SHENGLY sản xuất phôi thép ở KCN Gia Lễ với vốn khoảng 40 triệu USD; Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (VINASHIN) với ba dự án đóng tàu vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện ở Mỹ Lộc (Thái Thụy) tổng công suất 1.800 MW với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD đã được Chính phủ quyết định đưa vào mạng lưới phát triển điện năng toàn quốc, Bộ Công Thương quyết định giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ đầu tư.
Nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn còn thiếu, trong khi đó, đội ngũ trí thức trẻ của tỉnh đang có xu hướng tìm đến làm việc tại các thành phố lớn. Đây là thách thức không nhỏ trong sự nghiệp phát triển trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Chính vì vậy, Thái Bình xác định việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp và địa phương khác để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao.
Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã yên tâm đến Thái Bình đầu tư, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế của tỉnh... Những năm tới đây, Thái Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2006- 2010 là 12,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 đến 240 triệu USD đến năm 2010 và 850 triệu đến năm 2020.
Thảo nguyên