15:32:21 | 25/3/2024
Là địa phương đi đầu trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số (CĐS), với bước đi và tiến trình phù hợp, đến nay, CĐS của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Thành phố đang đẩy nhanh tiến trình CĐS, hướng tới mục tiêu trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội |
Nhiều bước tiến tích cực
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.Hà Nội, cùng với việc ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến nay, quá trình CĐS của thành phố đã đạt nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền số từng bước được triển khai; hạ tầng số được đẩy mạnh. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến CĐS năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang tại thành phố đã được phủ đến 100 xã, phường, thị trấn và 93,15% hộ gia đình. Số thuê bao di động là băng rộng đạt 121%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh đạt 122,7%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng smartphone trên tổng số thuê bao điện thoại di động đạt 81,7%. Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, kinh tế số của Thủ đô phát triển mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đánh giá (chưa chính thức) của Bộ TT&TT, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội là 17,15% (xếp thứ 8/63 tỉnh/thành phố). Báo cáo Vietnam ICT Index được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Thành phố cũng tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.
Nhiều mô hình chợ 4.0, tuyến phố thanh toán không tiền mặt,… đang từng bước được triển khai. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch điện tử đạt 45%; tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 99,9%,…
“Các kết quả đạt được sẽ là nền tảng và động lực cơ bản để Hà Nội hướng tới xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, thành phố thông minh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn
Chú trọng phát triển hạ tầng số
Ngày 27/9/2023, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về việc CĐS, xây dựng TP.Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Với kế hoạch này, Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 21 chỉ tiêu và 77 nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Triển khai tối đa các hoạt động, chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng ở cả 3 cấp.
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%. Về xã hội số, phấn đấu 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; phủ mạng internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình,...
Để hoàn thành mục tiêu này, Thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp thực hiện CĐS. Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, chú trọng phát triển hạ tầng, đặc biệt phát triển hạ tầng số, bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt.
Song song với việc cấp phép hoạt động bưu chính cho các doanh nghiệp, Sở TT&TT TP.Hà Nội là đơn vị đầu tiên tạo lập cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Trong năm 2023, Sở cũng ký kết phối hợp với Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT về công tác quản lý bưu chính trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2025. Qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính trở thành nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Trong năm 2024, Sở sẽ triển khai các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số được UBND Thành phố giao tại Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 27/7/2021 và Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của Thành phố, hệ thống giao ban trực tuyến (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền). Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của Thành phố (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023). Đây là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số, quy trình số; phát triển nền tảng, hệ thống số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số, thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, kết nối liên thông, đồng bộ hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Phát huy và nâng cao hiệu quả của các tổ CĐS cộng đồng. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện CĐS trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“CĐS là quá trình thường xuyên, liên tục. Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh CĐS trên các lĩnh vực, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững, xứng đáng là Thủ đô, trung tâm phát triển của cả nước”, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội khẳng định.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI