09:17:38 | 30/12/2024
Công nghiệp được xác định là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bắc Giang. Do đó thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư và tạo đà vững chắc cho mục đến năm 2030, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có phỏng vấn ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang.
![]() |
Ông có thể cho biết sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời gian qua?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 10 KCN đã và đang hoạt động, với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.464ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê trên 1.680ha. Tổng diện tích đất công nghiệp và hành chính dịch vụ đã cho thuê đạt 1.105ha, đạt tỷ lệ khoảng 64%. Có 03 KCN đã lấp đầy 100% (Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung); 03 KCN đạt 95% (Quang Châu, Hòa Phú, Việt Hàn giai đoạn 1); KCN Tân Hưng đạt 83%; 03 KCN đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng, kêu gọi đầu tư.
Các KCN đã thu hút được 513 dự án đầu tư (397 dự án FDI và 116 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký gần 11,2 tỷ USD và 25,1 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt khoảng 7,9 tỷ USD và gần 12,4 nghìn tỷ đồng. Đã có 460 dự án đi vào hoạt động sản xuất, góp phần tạo việc làm cho khoảng 222 nghìn lao động (trong đó khoảng 60% lao động trong tỉnh), thu nhập bình quân của người lao động khoảng trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng 10 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thu hút và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 37 dự án đầu tư mới (gồm 28 dự án FDI và 09 dự án DDI) với tổng vốn đăng ký đạt 349,55 triệu USD và 6.669,9 tỷ đồng. Đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 55 dự án đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt 736,2 triệu USD và 818,86 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút đầu tư quy đổi đạt 1,391 tỷ USD. Ước cả năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư quy đổi đạt khoảng 1,5 tỷ USD, bằng 125% kế hoạch.
Năm 2024, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp KCN ước đạt khoảng 539.400 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt ước đạt hơn 26,4 tỷ USD. Tỷ trọng công nghiệp của các KCN chiếm khoảng 82,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững; phát triển công nghiệp xanh, sinh thái,… Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang thúc đẩy phát triển các mô hình KCN xanh, sinh thái, đổi mới sáng tạo như thế nào, thưa ông?
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững; phát triển công nghiệp xanh, sinh thái,…”.
Một góc KCN Quang Châu, thị xã Việt Yên
Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: "Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra "hệ sinh thái công nghiệp",... Mục tiêu đến năm 2030, “Bắc Giang trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng”.
Theo đó, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh sẽ quy hoạch 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.000ha. Hiện tại, trong số 10 KCN đã và đang hoạt động đa phần đều có hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, xanh và hiện đại, trong đó có 01 KCN hướng đến đạt tiêu chuẩn KCN sinh thái.
Không chỉ vậy, các KCN này hiện là đa ngành nhưng ưu tiên tiếp nhận các dự án có công nghệ tự động hóa cao, suất vốn đầu tư/ha đất cao và có khả năng nộp ngân sách nhà nước lớn, đồng thời tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm đất, sử dụng ít lao động và ít ảnh hưởng tới môi trường.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là trụ đỡ, động lực tăng trưởng của Bắc Giang
Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục tập trung phát triển các KCN theo đa ngành, đa nghề; chú trọng các ngành nghề có công nghệ cao, tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng tiết kiệm đất. Trong phê duyệt quy hoạch KCN chú trọng đến hệ thống cây xanh đảm bảo tối thiểu đạt tỷ lệ 12% diện tích KCN, hệ thống giao thông trục chính của KCN có mặt cắt rộng đảm bảo ít nhất 04 làn xe chạy, hệ thống điện cung cấp cho các nhà máy đi ngầm đảm bảo mỹ quan.
Việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh cũng hướng đến hệ sinh thái KCN - Đô thị - Dịch vụ liền kề, bám sát chủ trương chung là phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Vậy với vai trò quản lý các KCN trên địa bàn, thời gian tới, Ban sẽ có những giải pháp gì để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp thưa ông?
Những năm qua, Bắc Giang luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN. Do đó, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư luôn đạt kết quả tích cực, nằm trong Top 10 các tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả về thu hút vốn đầu tư, thời gian tới, Ban sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như:
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN nhằm đảm bảo mặt bằng và cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Tập trung cao cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện, trong đó, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất.
Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tập trung vào những tập đoàn, doanh nghiệp lớn; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các nhà đầu tư lớn, quan trọng; ưu tiên thu hút dự án có đóng góp nhiều cho ngân sách, sử dụng ít lao động, công nghệ tiên tiến và hạn chế tác động đến môi trường.
Tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép. Thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư; quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên tuyền, phổ biến các quy định pháp luật trên các lĩnh vực; kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03 - 08/3/2025
18-19/02/2025
Vishakhapatnam, Andhra Pradesh, Ấn Độ