Các khu công nghiệp: Tạo động lực đưa Bến Tre phát triển nhanh, bền vững

08:59:10 | 30/12/2024

Vượt qua các khó khăn, thách thức, tỉnh Bến Tre đã đầu tư vận hành 02 khu công nghiệp (KCN) và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô công nghiệp, giá trị xuất khẩu, đóng góp ngân sách ngày càng tăng; đồng thời tạo hàng chục nghìn việc làm ổn định cho người lao động. Từ kết quả đạt được và đón đầu cơ hội mới, tỉnh đang đẩy mạnh quy hoạch, triển khai thêm 04 KCN với kỳ vọng đây sẽ là những động lực mới đưa Bến Tre phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Tạo động lực phát triển

Ông Lê Văn Nhiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Bến Tre hiện có 02 KCN đã hoạt động ổn định. Đó là KCN Giao Long (huyện Châu Thành) bắt đầu vận hành từ năm 2005, quy mô 164ha, đã lấp đầy 100% diện tích và thu hút được 37 dự án, trong đó có 21 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, tại giai đoạn I (96,3ha) có 24 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 09 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với vốn đăng ký 2.611 tỷ đồng và 15 dự án FDI vốn đăng ký 209 triệu USD với các ngành nghề gồm: Sản xuất bộ dây điện dùng cho xe hơi, linh kiện hộp số ô tô, chế biến thủy sản, sản phẩm từ dừa,… Giai đoạn II (67,92ha) có 13 dự án gồm 07 dự án DDI vốn 1.105 tỷ đồng và 06 dự án FDI vốn đăng ký 108 triệu USD, gồm các ngành nghề: May mặc, thiết bị điện tử,…


Ông Lê Văn Nhiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bến Tre

Bên cạnh đó là KCN An Hiệp cũng nằm trên địa bàn huyện Châu Thành, đi vào hoạt động năm 2005, diện tích 72ha, đã lấp đầy 100% diện tích và thu hút được 16 dự án với vốn đăng ký 2.879 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án FDI vốn đăng ký 146,65 triệu USD.

Như vậy, lũy kế đến nay tại 02 KCN nói trên có 53 dự án đầu tư, trong đó có 42 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư quy đổi 15.525 tỷ đồng; gồm 28 dự án DDI vốn 6.596 tỷ đồng và 25 dự án FDI có vốn 464,82 triệu USD.

Những năm qua, các doanh nghiệp đều hoạt động ổn định và xu hướng kinh doanh ngày càng tốt hơn. Điều này thể hiện qua các chỉ tiêu về: Vốn đầu tư thực hiện, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm,… tăng đều qua các năm. Riêng từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, các KCN tạo giá trị sản xuất 15.407 tỷ đồng (giá so sánh 2010); kim ngạch xuất khẩu 702,61 triệu USD và tạo 35.624 việc làm. So với các địa phương khác trong nước và khu vực, những con số trên rất khiêm tốn nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế tỉnh: Chiếm 50 - 70% giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và tạo việc làm,… tạo động lực cho nền kinh tế.

Thêm nhiều KCN mới

Ngay từ năm 2014, tỉnh đã quy hoạch KCN Phú Thuận và từ đó đến nay luôn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng.

KCN Phú Thuận nằm tại huyện Bình Đại có diện tích 232ha, trong đó có 156ha đất công nghiệp cho thuê. Nhóm ngành dự kiến thu hút đầu tư gồm: Sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, giày da, chế biến nông - thủy sản,… và hạ tầng gắn với cảng Phú Thuận. Đến tháng 11/2024, KCN Phú Thuận đã có mặt bằng sạch 44ha, gồm 21,81ha tại lô A2 và 22,18ha tại lô A3. Các tuyến đường chính trong KCN gồm D2, N3, D1, D3 cũng được hoàn thành. Các hạng mục còn lại đang được tập trung triển khai để hoàn thiện vào cuối năm 2025.


Một góc KCN An Hiệp, huyện Châu Thành

Bến Tre cũng đang nỗ lực phát triển một số KCN đã được phê duyệt hoặc đã có trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: KCN Giao Hòa (huyện Châu Thành) diện tích 249ha. Hiện KCN này đã có doanh nghiệp đề xuất đầu tư hạ tầng; đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình các cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét.

Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển 03 KCN mới gồm: Phước Long (huyện Giồng Trôm), diện tích 182ha, đã được phê duyệt đồ án tỷ lệ 1/2000 và cắm mốc ranh giới KCN; An Nhơn (huyện Thạnh Phú), diện tích 269,2ha đang lập nhiệm vụ phân khu; Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), diện tích 153ha, đã lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Theo ông Lê Tuấn Kiệt - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bến Tre, bên cạnh đẩy nhanh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban đã tham mưu UBND tỉnh triển khai hoạt động xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sớm đưa các KCN vào hoạt động.

Nâng cao năng lực phục vụ nhà đầu tư

Thực hiện trọng trách được giao, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp về quản lý sau cấp phép, đẩy nhanh triển khai các dự án, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với công tác quản lý xây dựng, Ban đã tiến hành thực hiện thẩm định dự án và thiết kế; dự toán xây dựng đối với dự án, công trình xây dựng,… với tiến độ nhanh nhất. Bên cạnh đó, Ban cũng thường xuyên kiểm tra các loại công trình xây dựng trên địa bàn và thực hiện các nhiệm vụ quản lý chặt chẽ nhằm vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng giữ gìn trật tự trong đầu tư và xây dựng.

Đối với công tác quản lý môi trường, Ban thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra, cấp Giấy phép môi trường cho các dự án; thực hiện kiểm tra vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường dự án; đồng thời tích cực tuyên truyền theo các chủ đề bảo vệ môi trường tại các KCN.

Đối với công tác quản lý lao động, Ban luôn theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, tình hình đóng bảo hiểm, ký kết hợp đồng lao động,... đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động.

Về công tác cải cách hành chính, hàng năm, Ban đều xây dựng, triển khai nghiêm túc các kế hoạch về cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính; triển khai cơ chế một cửa liên thông và thực hiện giài quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử,… Tại thời điểm tháng 10/2024, Ban đã cung cấp 18/20 thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần (11 thủ tục toàn trình). Tỷ lệ hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến đạt 39/39 hồ sơ. Cho đến nay, hầu hết doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại Ban đều bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao tinh thần phục vụ của Ban.

Ban cũng triển khai các kế hoạch kiểm tra hoạt động định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết. Ban còn thường xuyên nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm,… và đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án để sớm đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Duy Anh  (Vietnam Business Forum)