GIA LAI

Bản sắc Tây Nguyên

16:35:47 | 26/5/2010

Tây Nguyên, từ lâu được biết đến là nơi có nhiều phong tục, tập quán đặc sắc, đây chính là linh hồn để tạo nên cho vùng đất này bản sắc văn hoá riêng biệt, trường tồn theo thời gian.

Nhà rông – Nơi hội tụ những tinh hoa

Nhà rông là biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nơi đây được coi là linh hồn của buôn làng, nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng của buôn làng như: tổ chức các lễ hội dân gian, tiếp đón khách quí đến thăm làng; tổ chức hội họp của các già làng. Và đây còn là nơi để các thanh niên, nam nữ đến gặp gỡ, tỏ tình và kết duyên chồng vợ…

Nhà rông được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay khu vực trung tâm của buôn làng. Mái nhà có hình lưỡi búa khổng lồ vươn lên bầu trời thể hiện sức mạnh, uy quyền, khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng. Chất liệu chủ yếu của nhà rông là: tranh, tre, gỗ...

Nếu có dịp đến Gia Lai, du khách hãy ghé thăm nhà rông, nơi hội tụ những tinh hoa độc đáo mà chỉ ở những người dân tộc thiểu số nơi đây mới có.

Độc đáo nhà mồ Tây Nguyên

Nhà mồ cũng được xem là nét đặc trưng trong đời sống văn hoá của người Tây Nguyên. Theo phong tục tang lễ, sau khi chôn người chết, người thân dựng một chòi nhỏ trên nấm mộ, trong đó đặt một số đồ dùng của người đã khuất. Hàng ngày, người thân vẫn mang cơm, nước, quét dọn nhà mồ như một hình thức liên lạc với người thân của họ.

Sau một thời gian, người nhà của người chết sẽ thay vào chiếc chòi nhỏ kia bằng một ngôi nhà mồ mới khang trang, kiên cố hơn. Trên nhà mồ được trang trí nhiều tượng gỗ mô phỏng hình ảnh người đánh cồng, đánh chiêng, tượng mẹ bồng con… và được tô màu đen, đỏ, trắng. Khi hoàn tất nhà mồ, họ sẽ làm lễ Bỏ mả - lễ cuối cùng để tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia

Lễ hội đón năm mới của người Bahnar

Lễ hội đón năm mới của người Bahnar thường được tổ chức vào khoảng tháng 2 dương lịch (sau Tết Nguyên đán của người Việt). Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất có ý nghĩa khởi đầu của một năm mới, một mùa rẫy mới, một tuổi mới đối với người Bahnar.

Lễ hội được tổ chức tại nhà rông. Trong lễ hội, bao giờ thần linh cũng đóng vai trò quan trọng và chiếm vị trí trung tâm. Bên cạnh những vị thần được biết đến theo truyền thống của người Bahnar như: thần Mặt trời, thần Lúa, thần Nước, thần Núi… người Bahnar còn thờ nhiều thần khác nữa và mỗi thần có một giàn cúng (Chơđang) riêng. Sau khi các già làng thực hiện xong các bài cúng, dân làng sẽ được nghỉ ngơi, vui chơi, đánh chiêng, múa hát và thăm hỏi nhau.

Nếu có dịp đến với lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc và khám phá nhiều điều về bản sắc dân tộc Bahnar.

Lễ bỏ mã của người Jrai

Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn, thiêng liêng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Jrai. Theo quan niệm của người Jrai, khi người ta chết, hồn sẽ biến thành ma nhưng chưa về được với tổ tiên. Hàng ngày, người thân phải lui tới thăm viếng linh hồn. Cho đến khi lễ bỏ mả tổ chức thì linh hồn người chết mới về hẳn với ông bà.

Thông thường, lễ Bỏ mả được tổ chức trọng thể vào những buổi nông nhàn từ tháng 11 đến tháng 4 (dương lịch). Lễ hội được chuẩn bị khá chu đáo theo sự chỉ đạo của già làng. Người đẽo tượng, kẻ làm cột kut, chuẩn bị lễ vật, dựng nhà mả...

Trong dịp lễ bỏ mả, thanh niên, nam nữ cùng toàn thể dân làng vui vẻ nhảy múa xung quanh nhà mồ theo nhịp chiêng, nhịp trống và cùng nhau ăn bữa ăn cộng cảm cuối cúng với người chết. Sau lễ này, nhà mả sẽ không còn được chăm sóc nữa.

Lễ ăn cốm mới (SA MÓK) của người Bahnar

Là một trong những lễ hội lớn của người Bahnar, lễ được tiến hành khi những hạt lúa trên nương bắt đầu chín tới, người Bahnar tuốt về rang rồi giã để làm cốm. Người làng lấy cốm này cúng, nhằm tạ ơn các vị thần đã bảo vệ cho cây lúa tốt tươi, đem lại no ấm cho buôn làng.

Lễ hội thường được tổ chức trong 3 ngày, tại nhà rông hoặc nhà riêng tùy theo quy định của làng. Lễ vật dùng để cúng thần linh thường là: cốm, gà trống và rượu. Đội cồng chiêng của làng sẽ đi từng nhà, đánh chiêng để xua đuổi điều xấu, cầu mong những điều tốt đẹp và một vụ mùa bội thu cho gia chủ.

Sử thi Bahnar– Lung linh không gian huyền thoại

Ẩn chứa bên trong nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Bahnar trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ này, đó chính là kho tàng sử thi Bahnar. Đây là bản hùng ca mỹ lệ, mang cảm hứng lãng mạn trong lao động, chiến đấu và trong cuộc sống đời thường.

Tuy được phát hiện khá muộn nhưng sử thi Bahnar đã gây sự ngạc nhiên cho những người quan tâm đến văn hóa, truyền thống dân tộc này. Chính sự xuất hiện của Đăm Noi đã giúp những người nghiên cứu vén mở tấm màn bí ẩn về đời sống, tinh thần của dân tộc Bahnar. Hàng loạt sử thi được sưu tầm, công bố sau đó như: Bia Brâu, Atâu So Hle… đã là niềm tự hào của dân tộc Bahnar.

Không gì thú vị bằng đêm đêm bên ánh lửa hồng, du khách được nghe già làng kể chuyện, để hòa mình vào cuộc sống giản dị của người dân nơi đây. Sử thi Bahnar còn nhiều bí ẩn đang chờ du khách khám phá.

Quốc Hưng