BẾN TRE

Cây dừa Bến Tre

14:21:48 | 24/6/2010

Nhắc đến Bến Tre, là nhắc đến vùng đất nổi tiếng với đặc sản từ cây Dừa. Đối với người dân Bến Tre, cây dừa gắn bó thân thiết, không chỉ là giá trị kinh tế mà còn là một nét văn hóa riêng của địa phương.

Nghiên cứu lịch sử phát triển tỉnh Bến Tre 300 năm qua, cây dừa có thể đã được trồng từ rất sớm, đặc biệt qua đợt di dân nửa đầu thế kỷ 19. Do đó, đến cuối thế kỷ 19 thì Bến Tre chỉ có 4.000 ha trồng dừa. Năm 1930, dừa phát triển thêm và đạt 6.000 ha. Từ năm 1945, nông dân thấy trồng dừa thu nhập cao hơn lúa nên đã lập vườn trồng dừa. Năm 1961, diện tích dừa đạt 20.834 ha. Ngày nay, cây dừa đã được trồng nhiều, trải đậm khắp ba dãy cù lao.

Trong thế kỷ qua, đời sống nông dân càng khá giả, mua đất lập vườn nhờ cây dừa. Phần lớn trái dừa được cạy cơm phơi, sấy và bán cho các hiệu buôn, các nhà máy ở Chợ Lớn để ép dầu làm xà bông. Xà bông 72% dầu của hãng Trương Văn Bền là thương hiệu nổi tiếng, đã chiếm lĩnh thị trường, thay thế xà bông 72% hiệu Marseille của Pháp. Ngoài ra, dầu dừa chủ yếu dùng để chế biến thành dầu ăn, để sức tóc và để đốt đèn thay cho dầu lửa.

Sau ngày miền Nam giải phóng, diện tích dừa còn 16.000 ha. Từ đó đến nay, vườn dừa đã được khôi phục trồng lại. Có lúc cây dừa đã được chủ trương “dừa lấn rừng - rừng lấn biển”, khuyến khích trồng dừa lấn sâu vùng đất nhiễm mặn. Nhiều khu rừng ngập mặn trở thành nông trường trồng dừa như An Nhơn, An Quy, Châu Bình… Nhưng sau một thời gian thấy cây dừa chỉ thích hợp ở đất mặn vừa nên một số diện tích phải nhường để nuôi thủy sản.

Gần cuối thập niên 90, giá dừa xuống thấp, chỉ còn 600-850 đồng/trái. Nhiều nhà vườn bỏ dừa sang trồng nhãn. Từ đó, diện tích dừa của tỉnh năm 2000 còn 37.758 ha, hàng năm cho sản lượng 231,7 triệu trái. Năm 2001, diện tích dừa tiếp tục thu hẹp còn 35.540 ha, sản lượng 222,2 triệu trái/năm. Nguyên nhân do bọ dừa gây thiệt hại hơn 500 ha, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và sản lượng. Tỉnh đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phun xịt thuốc diệt trừ bọ dừa. Năm 2003, mật độ bọ dừa giảm đáng kể. Vườn dừa bắt đầu xanh tốt trở lại.

Năm 2005, diện tích dừa tăng trở lại, có 37.595 ha, sản lượng 258,8 triệu trái/năm. Năm 2008, diện tích dừa của tỉnh đạt 45.631 ha, sản lượng 311,5 triệu trái/năm. Do giá dừa tăng cao, nhiều diện tích cây ăn trái, mía, lúa kém hiệu quả đã được phá bỏ để trồng dừa trở lại.

Thị trường tiêu thụ dừa ngày càng nhiều. Dừa uống nước mỗi năm tiêu thụ khoảng 150 -200triệu trái/năm, đáp ứng cho nhu cầu giải khát ngày càng tăng. Nhiều cơ sở chế biến cho ra các sản phẩm có giá trị như: Cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa… Đặc biệt, 100 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Thân cây dừa dùng làm nhà, đóng bàn ghế có giá trị lâu bền.

Ngày nay, nhờ có điện khí hóa nông thôn nên sản xuất chế biến dừa nhiều khâu đã được thực hiện bằng máy móc sử dụng điện. Nhiều mặt hàng, trong đó hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa đã tham gia thị trường trong và ngoài nước.

Kỹ thuật trồng dừa ngày nay cũng tiến bộ hơn trước. Việc thâm canh vườn dừa được chú trọng bởi xen ca cao, xen chanh, măng cụt. Việc bón phân đúng cách, đủ liều lượng và cân đối giúp vườn dừa tăng hiệu quả kinh tế .

Ngày nay, việc chọn giống trồng dừa được người dân Bến Tre đặc biệt chú trọng. Dừa được nhân ra nhiều giống mới như dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa dâu xanh… Ngoài ra, còn vài giống ít người trồng như dừa bung, dừa sọc, dừa sáp.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu cơm dừa nạo sấy thứ hai trên thế giới. Dầu dừa sẽ dùng làm nhiên liệu sinh học, nhiều sản phẩm được xuất khẩu , giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân .

(Nguồn: bentre.gov.vn)