CAO BẰNG

Cao Bằng: Ưu tiên thu hút các dự án phát triển thương mại và du lịch

11:19:54 | 12/10/2010

Cao Bằng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp khai khoáng, thủy điện, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Để làm bật dậy tiềm năng, lợi thế to lớn này , tỉnh đã có nhiều nỗ lực huy động các nguồn lực, nhất là thu hút dự án đầu tư và đã đạt được kết quả đáng kể. Để tìm hiểu rõ hơn về cơ hội, triển vọng này, Tạp chí Vietnam Business Forum đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.

Nhìn vào kết quả thu hút, tốc độ triển khai các dự án, ông có cảm nhận thế nào về “sức nóng” của lĩnh vực công nghiệp?

Trước hết, tôi muốn nhắc lại Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc các dự án lớn xuất hiện và triển khai trên địa bàn trong thời gian qua có ý nghĩa to lớn. Điều đáng mừng là các dự án không chỉ tăng nhanh số lượng, quy mô mà “chất lượng” cũng có sự chuyển biến rõ rệt. Các dự án công nghiệp triển khai vừa có đặc điểm chung là sử dụng công nghệ mới, chế biến sâu, sử dụng hiệu quả tiết kiệm nguồn nguyên liệu, có sự đầu tư thích đáng đến bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn lao động lớn ở địa phương… Tốc độ triển khai các dự án cũng rất nhanh (dù có khủng hoảng kinh tế năm 2008 - 2009), cho thấy sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, quyết tâm của các nhà đầu tư. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Khu liên hợp Gang thép có số vốn đầu tư gần 2000 tỷ (lớn nhất tỉnh), sử dụng trên 1000 lao động; các dự án của Công ty Khoáng sản Tây Giang, Công ty Than cốc Việt Trung, Công ty Khoáng sản và công nghiệp Việt Nam… Một số sản phẩm của công nghiệp khai khoáng đã đạt tiêu chuẩn quốc tế có mẫu mã phù hợp, xuất khẩu được sang thị trường khó tính như Nhật, Úc… Kết quả trên đã minh chứng cho sự kiên trì thực hiện mời gọi đầu tư, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của các nhà đầu tư.

Trữ lượng khoáng sản của tỉnh, tiềm năng thủy điện hiện vẫn còn rất lớn song vấn đề của công nghiệp Cao Bằng không phải phát triển chiều rộng mà đi vào chiều sâu; tức là tỉnh đang và sẽ tập trung rà soát các dự án, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khởi động lại các dự án bị chậm do khủng hoảng kinh tế. Qua đó, chúng tôi có đánh giá và có biện pháp để có thể đưa ra quy hoạch phân bổ lại nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn vướng mắc. Rất nhiều nhà đầu tư cam kết sẽ tăng gấp đôi số vốn đầu tư, hay mời gọi thêm những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và công nghệ cùng tham gia đầu tư.

Tiềm năng du lịch Cao Bằng cũng không hề nhỏ song sự phát triển du lịch và kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn chưa được như mong muốn?

Quả vậy! Đây là điều chúng tôi luôn trăn trở. Cao Bằng tự hào vì rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với sản phẩm đa đạng: Từ tham quan các danh thắng thiên nhiên như thác Bản Giốc, rừng nguyên sinh Phja Oắc, Phja Đén hoặc những di tích lịch sử được xếp hạng như: Hang Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Thành Nhà Mạc,… hoặc trải nghiệm cảm giác được hòa mình vào cuộc sống các dân tộc anh em nơi đây, chia sẻ những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống, thưởng thức sản vật chỉ có ở vùng đất Đông Bắc này… Cao Bằng còn tìm thêm địa điểm cổng trời ở huyện Trà Lĩnh là địa điểm du lịch tâm linh rất tiềm năng, được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tới trong dịp lễ.

Tuy nhiên, Cao Bằng đang thiếu những doanh nghiệp làm du lịch chuyên nghiệp có tiềm lực về vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá và kết tuyến du lịch trong vùng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đang tích cực chào đón, hỗ trợ các doanh nghiệp đến để xây dựng hạ tầng cơ sở tiêu chuẩn, khai thác sản phẩm bền vững cũng như xây dựng chương trình nhằm quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch Cao Bằng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cao Bằng trên cơ sở hợp nhất 3 ban quản lý cửa khẩu: Sóc Giang, Trà Lĩnh và Tà Lùng, điều đó sẽ mở ra những cơ hội nào đối với sự phát triển của tỉnh?

Chúng tôi khẳng định thương mại biên giới sẽ là hướng đột phá của Cao Bằng trong thời gian tới. Bởi vì Cao Bằng có chung đường biên giới với nước bạn Trung Quốc dài trên 332 km. Nằm trên đó có 3 cửa khẩu chính và rất nhiều cửa khẩu tiểu ngạch, cặp chợ biên giới. Đây sẽ là những cửa ngõ mở ra sự hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá giữa tỉnh Cao Bằng với các tỉnh của Trung Quốc. Thời gian qua, nhờ những điều chỉnh kịp thời trong quản lý giao thông đường bộ, các doanh nghiệp đã chọn cung đường Cao Bằng với các cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh… để thông thương. Đường biên giới Việt – Trung giữa Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, không chỉ thông thường là mối quan hệ biên mậu giữa hai địa phương mà cần phải hiểu đường biên giới này tạo cho Cao Bằng có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế đường bộ giữa tỉnh Quảng Tây và các tỉnh phía Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN (Lào, Campuchia, Mianma, Thái Lan) thông qua đường Hồ Chí Minh và đường xuyên Á.

Để kinh tế biên mậu thực sự phát triển, Cao Bằng rất mong sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Trung ương để mở rộng, nâng cấp các mạng lưới giao thông (quốc lộ 3, 4a) kết nối Cao Bằng với Hà Nội, và các trung tâm khác như Quảng Ninh, Lạng Sơn, rút ngắn khoảng cách, thời gian và đáp ứng vận chuyển của các xe siêu trường, siêu trọng.

Việc Chính phủ quyết định thành lập Ban quản lý Khu Kinh tế Cao Bằng sẽ có tác dụng to lớn đối với sự phát triển thương mại và kinh tế - xã hội tỉnh. Ban quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; đồng thời quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, tỉnh đang đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi đặc thù. Với nỗ lực của tỉnh và sự quan tâm của Trung ương, Cao Bằng sẽ phát huy được lợi thế so sánh, kinh tế biên mậu sẽ đóng góp ngày một nhiều cho sự phát triển của địa phương.

Để môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, trong thời gian tới, tỉnh có những giải pháp nào?

Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước một bước, tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thành quy hoạch nhiều ngành, lĩnh vực như: quy hoạch công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015; quy hoạch thủy điện nhỏ; quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản,... Cao Bằng cũng kịp thời điều chỉnh chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn phù hợp với Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dân thi hành Luật Đầu tư. Các dự án còn được tạo điều kiện vay và huy động vốn, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đào tạo lao động, ưđãi thuế xuất nhập khẩu,... Công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh quan tâm và nỗ lực thực hiện đảm bảo tiến độ cho tất cả các dự án đầu tư tại tỉnh. Tóm lại, Cao Bằng luôn chia sẻ đồng hành cùng với doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình đầu tư từ: khâu khảo sát, lập dự án, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng, cũng như hỗ trợ kịp thời hoạt động trong những năm đầu tiên.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực đầu tư cho hạ tầng mềm là các sản phẩm dịch vụ văn minh thương mại, làm yếu tố để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Cao Bằng đã triển khai xong các hạng mục của đề án nâng cấp thị xã Cao Bằng đạt các tiêu chí của đô thị loại III và đề nghị công nhận trong tháng 10/2010, đồng thời năm 2012 nâng cấp lên thành phố. Việc làm này đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ với đời sống của không chỉ người dân Cao Bằng mà đối với cả những người đã từng đến Cao Bằng. Điện đã phủ trên 95% xã, tỷ lệ điện thoại trên 100 dân đạt con số 56 máy. Sóng di động của cả 3 mạng lớn nhất Việt Nam hiện nay có ở hầu khắp các xã. Nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm đã đặt chi nhánh ở Cao Bằng sẵn sàng cung cấp dịch vụ mới nhất cho người dân, doanh nghiệp nơi đây.

Từ những quy hoạch ngành, lĩnh vực, các chủ trương cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lí, cùng với sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương, sự tạo điều kiện, đồng hành cùng với doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình đầu tư tôi tin tưởng rằng kinh tế- xã hội Cao Bằng sẽ phát triển nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Trịnh Long (thực hiện)

Sự kiện sắp tới

Triển lãm Quốc tế Thể thao và Sức khỏe Đài Bắc 2025

26 - 29/3/2025

Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc