THỪA THIÊN - HUẾ

Thừa Thiên Huế - Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

16:00:19 | 22/12/2011

3 năm để Thừa Thiên Huế thực hiện thành công mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không phải là dài. Xung quanh chủ đề này, Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Phan Quang thực hiện.

Chúng ta đang nhìn tới cái đích trước 2015 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (TW). Thời điểm này đang đến rất gần, thưa ông?

Việc phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc TW đã được xác định từ những năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII. Năm 1996, Trung ương Đảng, Chính phủ có kế hoạch xem xét việc này; rồi tại kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ là Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế cần phải phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc TW trong một vài năm tới.

Như vậy là chúng tôi đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài để hội tụ những điều kiện CẦN và ĐỦ đưa Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương. Ba năm còn lại, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nâng cao kết cấu hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để phát triển các doanh nghiệp, loại hình kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông có thể nói gì về nền tảng cho thành phố Thừa Thiên Huế?

Về những nền tảng cho thành phố Thừa Thiên Huế, thì trước hết là tốc độ đô thị hóa, nhất là ở Hương Thủy, Tứ Hạ, Thuận An cùng các thị trấn dọc Quốc lộ 1A, ven thành phố Huế đã có chuyển biến khá nhanh. Thành phố Huế và các đô thị vệ tinh cũng đang được đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tỉnh cũng đang có thêm các khu, cụm đô thị mới được đầu tư xây dựng như: Khu quy hoạch An Vân Dương, Phú Mỹ Thượng, Trường An...

Thứ hai là giao thông. Hệ thống giao thông kết nối thành phố Huế với các cụm đô thị động lực và các đô thị vệ tinh đang được triển khai tích cực tạo sự gắn kết hữu cơ trên toàn địa bàn. Giao thông nội đô, các tuyến đường đến các khu du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế đã và đang được đầu tư, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển và chuyển dịch nhanh kinh tế theo hướng phát triển các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp.

Thứ ba là hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội của địa phương và của TW trên địa bàn đang được tiếp tục nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới như: hệ thống bệnh viện chuyên khoa và đa khoa, bệnh viện quốc tế, các khu ký túc xá cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn…

Thừa Thiên Huế cũng rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành để có thể triển khai sớm một số công trình huyết mạch đã có quy hoạch và chủ trương đầu tư như: hệ thống giao thông đối ngoại kết nối đô thị Thừa Thiên Huế với các đô thị lớn trong vùng, trong nước và quốc tế (bao gồm: sân bay quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, Quốc lộ 49, dự án đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan…). Đầu tư và hoàn thiện những dự án này chính là vì sự liên kết và phát triển và thịnh vượng chung của cả nước và khu vực.

Và ông có thể phác thảo về thành phố Thừa Thiên Huế?

Triển khai thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, tỉnh đã có Đề án “Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Tôi khái quát lại mấy nét như sau:

Về chức năng, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương - trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Thừa Thiên Huế được xây dựng, phát triển theo hướng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, lịch sử, văn hóa và thân thiện với môi trường”. Mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”, mà cụ thể là tập hợp đô thị di sản, lịch sử, văn hóa và cảnh quan chính là không gian của thành phố Thừa Thiên Huế.

Với các đô thị trung tâm như thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An và Bình Điền, quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 50 vạn người; năm 2025 khoảng 60 vạn người. Ở cực phía Nam, đô thị vệ tinh Chân Mây - Lăng Cô cùng với đô thị trung tâm sẽ trở thành vùng động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH quan trọng của Thừa Thiên Huế. Các đô thị vệ tinh là trung tâm các huyện ngoại thị như: Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre và A Lưới; các đô thị mới: Điền Hải, An Lỗ, Phong Mỹ, Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, A Đớt, Hồng Vân sẽ được hình thành. Đô thị vệ tinh sẽ đóng vai trò hỗ trợ một phần chức năng và giảm áp lực cho khu vực đô thị trung tâm.

Các điểm dân cư nông thôn được phân bố theo cụm điểm, tuyến và phân tán ở 2 vùng đồng bằng ven biển đầm phá và đồi núi. Việc phát triển các điểm dân cư nông thôn sẽ gắn với các cơ sở sản xuất CN- TTCN- làng nghề, sản suất nông- lâm- thủy hải sản qui mô vừa và nhỏ; các trung tâm dịch vụ, chợ biên giới; vùng kinh tế quốc phòng, đồn trạm biên phòng, hải đảo. Nhiều loại hình nông thôn- sinh thái- du lịch nhất là ở vùng ven các đô thị cũng sẽ được chú trọng phát triển.

Về không gian kinh tế: Vùng đồng bằng ven biển sẽ là vùng động lực phát triển của thành phố Thừa Thiên Huế. Trong tương lai đây là nơi tập trung các khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, các khu du lịch nghỉ dưỡng, các trung tâm dịch vụ xã hội, đầu mối kỹ thuật và các đô thị lớn. Vùng gò đồi miền núi sẽ phát triển các cơ sở CN-TTCN, cơ sở du lịch nghỉ dưỡng, các trung tâm thương mại cửa khẩu, các vùng trang trại, vùng rừng kinh tế, rừng đặc dụng, phòng hộ, sinh thái và các đô thị trung tâm về phía Tây.

Chúng tôi xác định được địa phương mình đang ở vị trí nào trên con đường phát triển chung của cả nước, địa phương mình có những tiềm năng lợi thế gì, có những tiêu chí đô thị khác biệt gì so với những thành phố khác... Mô hình phát triển của mình trong tương lai như thế nào là hợp lý và bền vững. Với những gì đã chuẩn bị, chúng tôi tin tưởng mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh trước năm 2015 là hiện thực.

Nhân sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2012 mà Thừa Thiên Huế là địa phương đăng cai tổ chức, ông có thông điệp gì gửi đến du khách và nhà đầu tư?

Không chỉ là quảng bá thúc đẩy kinh tế du lịch, Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 còn thúc đẩy liên kết vùng trong lĩnh vực kinh tế này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến các hoạt động thương mại, thị trường du lịch, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến với công chúng và du khách.

Thừa Thiên Huế, là địa phương trong nhiều năm liền được bình chọn là điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện của Việt Nam, chúng tôi đang sẵn sàng đón tiếp và phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Nhân sự kiện này, tôi trân trọng mời gọi sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vào khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.