Việc phát huy có hiệu quả những lợi thế về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là những hướng đi mới giúp cho nông nghiệp Lào Cai có bước phát triển khá toàn diện.
Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật
Khai thác những tiềm năng, lợi thế và khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất hàng hóa: lúa, ngô, chè, chuối, dứa … được hình thành rõ; bước đầu xây dựng các vùng sản xuất có hiệu quả như: cây thuốc lá, rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu. Các tiến bộ khoa học được áp dụng phổ biến vào sản xuất, đặc biệt kỹ thuật giống, thâm canh, tăng vụ; trên 90% diện tích lúa, trên 80% diện tích ngô được gieo trồng giống mới có năng suất cao. Sản xuất tăng vụ được mở rộng đem lại hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi ở Lào Cai cũng được xác định lợi thế để phát triển. Chăn nuôi đại gia súc đã có sự chuyển biến tích cực với sự nhận thức của một bộ phận nhân dân về chăn nuôi bền vững, có sự kết hợp giữa phát triển đàn đại gia súc với phát triển trồng cỏ, làm chuồng trại, dự trữ thức ăn. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển mạnh theo hướng tăng chất lượng, thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi tại chỗ cơ bản đã đáp ứng gần đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng cao, bình quân đạt trên 11%/ năm.
Bên cạnh đó, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng đã được triển khai ở một số địa phương nhằm khai thác lợi thế, như sản xuất rau an toàn thực phẩm (Việt GAP) ở thành phố Lào Cai, huyện Bắc Hà; sản xuất hoa ở Sa Pa, thành phố Lào Cai; trồng thuốc lá ở Mường Khương, Si Ma Cai; trồng dứa, chuối mô ở Bản Lầu (Mường Khương)… đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển thủy sản, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp cho thị trường, Lào Cai bước đầu khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng. Diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh tăng hàng năm từ 5-10%. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, nhất là trong khâu sản xuất giống, đã tiếp nhận và cho sinh sản nhân tạo cá rô phi đơn tính; hàng năm sản xuất trên 2 triệu con giống các loại, chủ động cung cấp giống tốt cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
Hướng phát triển
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định, trong giai đoạn 2010 -2015, giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 6,5%/năm, trong cơ cấu ngành nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 là 75%. Đây là mục tiêu mà ngành nông nghiệp cần phấn đấu đạt được trong 5 năm tới.
Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tập trung vào một số vấn đề: Tiếp tục đẩy mạnh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là khâu giống và thâm canh, tăng vụ. Tranh thủ lợi thế về đất đai, khí hậu, liên doanh, liên kết hình thành các vùng chuyên canh một số cây trồng chủ lực như: chè, thuốc lá, cao su, lúa, ngô, cây ăn quả, rau, hoa…Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, lựa chọn đối tượng vật nuôi có tỷ trọng lớn, dễ cải tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục nghiên cứu tham mưu để tỉnh bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng CNH - HĐH. Những kết quả đạt được thời gian qua là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề quan trọng đặt ra là vai trò chủ thể của nông dân trong triển khai thực hiện.
Vì vậy, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, nhân rộng các mô hình, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, để nâng cao chất lượng nhằm tăng giá trị của sản phẩm, đưa nông nghiệp Lào Cai ngày càng phát triển.
Trần Trang