Nằm ở phía Tây Nam của đất nước, tỉnh Tây Ninh là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, có vị trí chiến lược, đầu mối giao thương trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong. Phát huy tiềm năng lợi thế này, thời gian qua Tây Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Những thành tựu đó là những mốc son ghi nhận sự cố gắng, chung sức, đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Quang nhấn mạnh: “Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực thúc đẩy Tây Ninh vững bước phát triển, tích cực cùng các địa phương trong cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI”. Hoàng Lâm thực hiện.
Có thể nói năm 2011 hết sức khó khăn nhưng kinh tế Tây Ninh vẫn ổn định và phát triển. Ông có thể điểm lại những thành tựu nổi bật nhất của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội ?
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế, năm 2011 vừa qua tỉnh Tây Ninh đã gặt hái được những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 14%; đây là thành tựu tích cực trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách. Các khu vực sản xuất đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm: Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản tăng 5,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 22%, giá trị các ngành dịch vụ tăng 14%, kim ngạch xuất khẩu tăng 31%. Từ kết quả sản xuất đã góp phần đưa tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt 28% dự toán, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và bổ sung vốn cho đầu tư phát triển trên địa bàn.
Công tác hậu kiểm đầu tư được tăng cường góp phần tăng hiệu quả đầu tư. Các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư được tạo điều kiện triển khai, một số dự án đầu tư đi vào hoạt động góp phần kích cầu tiêu dùng trong dân cư.
Công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Năm 2011, Tây Ninh hoàn thành xây dựng 85 căn nhà tình nghĩa, trên 950 căn nhà đại đoàn kết cho hộ cận nghèo và 924 căn nhà theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, khu dân cư biên giới Chàng Riệc của tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, năm 2011 đã hoàn thành hạ tầng khu dân cư, khu nhà ở để năm 2012 bố trí cho khoảng 300 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn định cư ổn định cuộc sống. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh không tăng, được kéo giảm khoảng 1% so với năm 2010.
Tây Ninh cơ bản vẫn là tỉnh nông nghiệp, kết quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn đạt những thành tựu khả quan. Tuy nhiên để có thể giàu mạnh hơn,việc đẩy mạnh CNH – HĐH được tỉnh chú trọng như thế nào?
Tây Ninh cơ bản vẫn là tỉnh nông nghiệp. Tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản trong GDP năm 2011 còn chiếm tỷ trọng khá cao: 42,3%. Sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh đã là sản xuất hàng hóa, tập trung các cây trồng công nghiệp ngắn ngài, dài ngày tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; chăn nuôi đang chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến. Sự phát triển nông nghiệp của tỉnh đã tạo cơ sở cho phát triển công nghiệp chế biến và hiệu quả từ sản xuất đã đảm bảo đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh. Chính từ nền tảng nông nghiệp này đã góp phần giúp Tây Ninh vượt qua khó khăn, giảm được ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế - xã hội giàu mạnh hơn, Tây Ninh đặt ra mục tiêu “xây dựng Tây Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020”. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ của Tây Ninh chiếm tỷ trọng 85% trong GDP, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 15%. Hiện Tây Ninh đang xây dựng 5 KCN với tổng diện tích khoảng 4.320 ha gồm: KCN Trảng Bàng (190,76 ha), khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (202,67 ha), KCN Phước Đông - Bời Lời (2.840 ha), KCN Bourbon An Hòa (1.020 ha), KCN Chà Là (60 ha) và 4 KCN được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai gồm: KCN Hiệp Thạnh (250 ha), KCN Bàu Hai Năm (200 ha), KCN Gia Bình (200 ha), KCN Thanh Điền (300 ha). Định hướng đến năm 2020, công nghiệp Tây Ninh sẽ phát triển với quỹ đất là 10.000ha.
Trong quá trình CNH - HĐH, Tây Ninh xác định công nghiệp giữ vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, kích thích các ngành dịch vụ phát triển; du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp tuy có giảm nhưng sẽ chuyển sang nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn với các khu nông nghiệp công nghệ cao, khả năng cạnh tranh cao. Từ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân sẽ tăng lên, đời sống được cải thiện tốt hơn.
Tây Ninh là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với các nước láng giềng Campuchia, Thái Lan… cũng là tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vậy thời gian qua, tỉnh đã phát huy lợi thế này đạt hiệu quả ra sao?
Với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có kinh tế phát triển nhất của cả nước, đồng thời nằm giữa Tp. Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất nước) và thủ đô Phnôm pênh (trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của Campuchia) với tuyến đường Xuyên Á là điều kiện thuận lợi để Tây Ninh có thể phát triển kinh tế.
Phát huy lợi thế, thời gian qua Tây Ninh đang khai thác các khu, điểm du lịch của tỉnh; khai thác thương mại biên giới thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua hệ thống cửa khẩu trên tuyến biên giới. Về du lịch, Tây Ninh là cầu nối giữa Tp.Hồ Chí Minh và các điểm du lịch của Campuchia, do đó việc kết nối, tạo các tour giữa Tây Ninh với các tỉnh thành trong nước, với Campuchia và các nước khác bằng đường bộ có nhiều tiềm năng để phát triển. Thời gian qua, Tây Ninh tập trung khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, giải trí (Núi Bà Đen, Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát …), hàng năm thu hút khoảng 2 triệu lượt khách tham quan, du lịch.
Về giao thương hàng hóa, năm 2011 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu từ các tỉnh, thành phố qua biên giới Tây Ninh khoảng 1 tỷ USD (Tây Ninh chiếm khoảng 15% đến 25%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng do phía Việt Nam sản xuất: mì gói, sản phẩm nhựa, bột giặt, dầu ăn, mỹ phẩm....Tuy nhiên, du lịch và thương mại biên giới chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tây Ninh đang tập trung đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng để thời gian tới du lịch và thương mại biên giới trở thành lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế hiện nay và những năm tiếp theo, Tây Ninh sẽ ưu tiên và tập trung thực hiện các giải pháp nào?
Chúng tôi sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư. Để huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Tây Ninh sẽ tập trung giải quyết tốt các yếu tố đầu vào cho nhà đầu tư, bao gồm: định hướng đầu tư, mặt bằng sản xuất, thủ tục đầu tư, hạ tầng kinh tế xã hội, lao động, những ưu đãi về tài chính, tín dụng. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH tỉnh nhà; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính. Đồng thời đảm bảo an sinh xã hội; tập trung Chương trình giải quyết việc làm, Chương trình giảm nghèo; thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2011 – 2015, Tây Ninh đang tập trung thực hiện 3 Chương trình đột phá, bao gồm: Chương trình phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính. Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, Tây Ninh quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt được các mục tiêu đề ra.