Là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều địa danh thác Mơ, thác Kazan, thác Phướn, thác Trượt... cùng những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tà ôi, Pa cô, Vân Kiều... Nam Đông đang ngày càng hấp dẫn du khách, tạo điều kiện cho loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng phát triển.
Tiềm năng chưa “đánh thức”
Điểm đầu tiên đến Nam Đông là thác Mơ (nằm ngay dưới chân đèo La Hy, thuộc địa phận xã Hương Phú). Thác Mơ đẹp yên bình, dường như mọi vật xung quanh đang còn nguyên sơ chưa có bàn tay con người sắp đặt. Đặc biệt, tới đây không chỉ được ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, du khách còn được thưởng thức những đặc sản hấp dẫn với giá cả hợp lý do nhà hàng phục vụ.
Thác Kazan (xã Thượng Lộ) chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 km, nằm “yên mình” trong núi rừng Trường Sơn. Nhìn về phía thượng nguồn, những tảng đá nằm thẳng đứng hai bên thác tạo nên vẻ hùng vĩ cho Kazan. Du khách có thể vừa ngâm mình dưới dòng nước trong xanh, mát lạnh vừa ngắm cảnh núi rừng.
Tại khu du lịch cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ), ngay từ lối dẫn vào nhà “gươl”, người dân đứng hai bên chào đón khách nồng nhiệt. Ở đây du khách có thể được thưởng thức cơm lam với rau rừng, măng rừng…do chính tay người dân chế biến kết hợp với men rượu cần cay nồng; được thưởng thức những điệu múa, bài hát truyền thống của người dân Cơ Tu do những thiếu nữ trong thôn trình diễn.
Không ồn ào, xô bồ, du lịch sinh thái ở Nam Đông thật yên bình. Không gian lắng đọng, khung cảnh tươi đẹp và gần như còn hoang sơ. Điều này đã tạo sức hấp dẫn lớn với những du khách thích trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là lượng khách vẫn còn ít, trung bình mỗi tháng chỉ đón được khoảng hai đoàn khách lớn, còn lại là những đoàn khách lẻ, vì thế, thu nhập của người dân chưa được ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Đông chia sẻ: “Tiềm năng du lịch của Nam Đông rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái và cộng đồng. Ngoài thác Mơ và thôn Dỗi là hai điểm đã thu hút được du khách thì còn rất nhiều điểm lý tưởng để phát triển du lịch: thác Phướng (xã Hương Phú); thác Trời, đập Tràn (xã Hương Giang); hang Dơi (xã Thượng Quảng)… song những tiềm năng này chưa được đánh thức. Hướng đi riêng
Khởi động muộn hơn so với các địa phương khác, dù vậy, ngành du lịch Nam Đông đang đặt ra những kế hoạch mang tính dài hạn, xây dựng những sản phẩm có thế mạnh và mang đặc trưng riêng của vùng đất nơi đây.
Hướng đi của du lịch Nam Đông trong thời gian tới là khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng, qua đó nét văn hóa độc đáo của người dân Cơ Tu được bảo tồn. Khi người trẻ tham gia làm du lịch sẽ học hỏi và lưu giữ được những điệu múa, câu hát truyền thống, những món ăn gắn liền với đời sống của người dân Cơ Tu suốt bao đời qua…
Huyện đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch. Đặc biệt là cơ sở lưu trú, hệ thống homestay tại các điểm du lịch cộng đồng. Khi cơ sở lưu trú tăng lên có thể kéo du khách ở lại lâu hơn. Một phần do thiếu nơi ngủ qua đêm nên du khách chỉ đến và đi trong ngày. Để làm tốt việc kêu gọi đầu tư, các cơ quan liên quan cần có tiếng nói chung, cùng nhau ngồi lại để đưa ra những kế hoạch và chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua mối liên hệ của các cơ quan đang thiếu sự “kết dính”, thêm vào đó, khả năng quảng bá là yếu điểm của ngành du lịch Nam Đông. Do đó, Phòng Văn hóa Thông tin huyện xin giấy phép và đã được Sở Thông tin Truyền thông đồng ý xây dựng website chuyên về du lịch của huyện và sẽ sớm đưa vào hoạt động. Hiện tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan đang được thi công, khi hoàn thành sẽ giúp du khách đến với Nam Đông thuận tiện hơn. Tuyến cao tốc nằm trong tuyến Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Nam Đông sẽ có cơ hội phát triển nhanh vì đây có thể là điểm dừng chân quan trọng của du khách.
Với những lợi thế và những chính sách kêu gọi đầu tư ưu đãi, ngành du lịch Nam Đông đang đặt mục tiêu sớm vượt qua những khó khăn để tăng tốc nhanh và bền vững.