LẠNG SƠN

Tràng Định: Năng động, đổi mới trong phát triển kinh tế

14:32:27 | 22/5/2018


Tràng Định nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, cách thành phố Lạng Sơn 70 km theo đường quốc lộ 4A, sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ,... “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và chính quyền địa phương cùng với nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Tràng Định đã đổi mới mạnh mẽ và gặt hái được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết.

Là huyện vùng cao biên giới, diện tích đất nông nghiệp của Tràng Định chiếm 5,9%; đất lâm nghiệp chiếm 37,9%, trong tổng số 99.523 ha đất tự nhiên của huyện. Chính vì vậy, các cấp chính quyền huyện luôn xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế. Trong đó huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa các loại giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao vào thay thế giống cũ, tập trung tăng diện tích và nâng cao chất lượng những cây trồng đã cho hiệu quả cao có giá trị hàng hóa, nhất là cây quế, thạch đen, quýt, mía, cây dược liệu… Theo số liệu 3 tháng đầu năm 2018, diện tích làm đất lúa vụ xuân đạt 1.923 ha; diện tích làm đất trồng ngô đạt 808 ha; diện tích trồng cây thạch đen đạt 658,8 ha,... Đặc biệt, hiện nay, huyện Tràng Định đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo bao thai, thạch đen tạo đòn bẩy để nâng cao danh tiếng cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất cây trồng nông sản, đặc sản của địa phương, đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người dân ở mọi miền Tổ quốc.

Bên cạnh nông nghiệp, với lợi thế giáp Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên; và Bằng Tường, Long Châu (Trung Quốc) với đường biên giới dài 52 km thuận lợi phát triển hoạt động thương mại - dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu như cửa khẩu quốc gia Bình Nghi, cặp chợ Nà Nưa, trung chuyển, giao lưu hàng hóa với các tỉnh bạn Cao Bằng, Thái Nguyên,... Nắm bắt tiềm năng, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến nông, lâm sản được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương như cơ sở chế biến ván, gỗ bóc, bột giấy, giấy bản, tăm hương... Hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại - dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình dịch vụ được mở rộng như: ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải,... Dần hình thành hệ thống chợ thúc đẩy sản xuất phát triển, tiêu thụ hàng hóa tại chỗ thuận tiện, đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp vươn tới các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tràng Định được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch đã và đang thu hút được du khách đến tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt là các loại hình du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; các danh lam thắng cảnh - du lịch lịch sử. Đến với Tràng Định, du khách có thể tham quan hệ thống hang động có nhiều kích cỡ và hình thù khác nhau tạo nên vẻ đẹp đa sắc màu lung linh huyền ảo như Di tích hang Cốc Mười; Hang Tràn My (Hang Vò Gấu); hệ thống hang động trong thôn Nà Pài, xã Tri Phương;... Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm đời sống của bà con dân tộc bản địa với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú như hội Thồng Bủng Kham, hội Thổng Báo Slao, hội Phài Lừa...

Ông Lý Văn Lâm chia sẻ: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tràng Định thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, đưa Tràng Định phát triển lên một tầm cao mới, toàn diện và vững chắc hơn. Trên cơ sở định hướng phù hợp với điều kiện địa phương, Đảng bộ và chính quyền huyện Tràng Định đang tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của bộ máy quản lý Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế toàn diện thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, tập trung mọi nguồn lực hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Tràng Định ngày càng giàu mạnh, văn minh và phát triển bền vững”.

Ngoài ra, tăng cường thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: Đẩy mạnh công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch theo cơ chế “Một cửa liên thông”,… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn nguyên liệu, nhân lực như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, thực phẩm, chế biến nước giải khát… phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp và nông thôn, đồng thời khuyến khích những cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN có quy mô vừa và nhỏ, có công nghệ hiện đại, các mô hình hợp tác xã sản xuất TTCN; đầu tư xây dựng khu đô thị mới và trung tâm thương mại Thất Khê; xây dựng tuyến đường tránh thị trấn; đầu tư vào các điểm văn hóa, tâm linh, khu vui chơi;...