Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa vào ngày 23/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sự tăng trưởng ấn tượng của tỉnh những năm gần đây. Song Thủ tướng cho rằng, Thanh Hoá còn nhiều dư địa phát triển và mức tăng trưởng hiện còn dưới tiềm năng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những vấn đề phát triển của Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay như: Việc thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu; về giữ màu xanh, nhất là phía tây rộng lớn bằng trồng rừng; về nguồn lực con người xứ Thanh địa linh nhân kiệt,... và nhấn mạnh môi trường đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa phải tốt hơn nữa. Thủ tướng bày tỏ, đây là việc “nói dễ mà làm khó”. Vậy từ mong muốn đến thực tế, từ quyết tâm đến hành động, từ nói dễ làm khó trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thanh Hoá ra sao?
Từ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Năm 2010, Báo cáo Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam lần đầu tiên được công bố. Tại bàn tròn trong Hội thảo lúc đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, các đề xuất mà Báo cáo đề cập là những cơ sở khoa học quan trọng để Việt Nam xem xét, lựa chọn con đường phát triển và khẳng định: Chúng tôi sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ trong việc xây dựng các giải pháp cấp bách cũng như dài hạn trong chiến lược phát triển, điều hành nền kinh tế.
Sau một thời gian nghiên cứu, tập hơn, ngày 18/3/2014, Nghị quyết số 19/NQ-CP đầu tiên của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành. Đây là quyết tâm lớn của Chính phủ bởi việc thực hiện những chỉ tiêu rất cụ thể theo các thông lệ của ASEAn và thế giới là việc không dễ. Nhưng hơn một năm sau, những hiệu quả rõ rệt của việc đổi mới và cải cách là cơ sở để các Nghị quyết số 19/NQ-CP những năm sau đó tiếp tục được ban hành với các chỉ tiêu sát sao, cụ thể và “độ khó” gia tăng. Cũng vì vậy mà hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh.... Dù vậy, xếp hạng môi trường kinh doanh năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới ở mức trung bình khá: Năm 2018, xếp thứ 69/190 về môi tường kinh doanh và 77/140 về năng lực cạnh tranh; thậm chí nếu so sánh, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia còn giảm 3 bậc (74/140) so năm 2017 (77/135) và 27 bậc (50/134) so năm 2009.
Bước sang năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được đánh số 02, và được ban hành cùng lúc với Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Điều này thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo “bứt phá đầu tiên là thể chế”. Như Phó Thủ tướng Cính phủ Vũ Đức Đam “chúng ta luôn luôn phải cân đối yêu cầu quản lý, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, chứ không tạo điều kiện thuận lợi một chiều mà buông lỏng quản lý”.
Đến cải thiện chỉ số PCI của Thanh Hoá
Trở lại câu chuyện PCI, năm 2006, Thanh Hoá với 45.30 điểm xếp 55/63 tỉnh, TP. Suốt trong giai đoạn 2017-2011, điểm số và thứ hạng của tỉnh chưa cải thiện nhiều và vẫn ở Top Khá. Năm 2012 ghi lại dấu ấn lớn khi Thanh Hoá đạt 60,2 điểm vươn lên vị trí 24 trong Bảng xếp hạng, tăng 20 bậc so năm 2011. Năm 2013 với 61,59 điểm, Thanh Hoá xếp thứ 8; năm 2014 với 60,33 điểm xếp 12 và năm 2015 đã trở lại Top 10 với 60,74 điểm xếp 10/63 tỉnh TP. Năm 2016, Thanh Hóa giảm tới 2 điểm so năm 2015 và 21 bậc trên Bảng xếp hạng.
Sau “nốt trầm” năm 2016, trong 2 năm 2017-2018, điểm số của Thanh Hoá đã tăng khá mạnh: Năm 2017 tăng 3,92 điểm, đạt 62,46 điểm, xếp thứ 28/63; năm 2018 tiếp tục tăng 1,48 điểm đạt ở mức 63,94 điểm xếp 25 toàn quốc (năm 2013, Thanh Hoá xếp thứ 8/63 tỉnh, TP cũng chỉ đạt 61,59 điểm). Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2018 của tỉnh, cao nhất là chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp đến là các chỉ số Gia nhập thị trường, Đào tạo lao động, Chi phí thời gian, Tiếp cận đất đai,...
Về mặt tổng thể, mức độ cải thiện chỉ số PCI của tỉnh là hợp lý và chấp nhận được trong bối cảnh các tỉnh, TP đang ngày càng đua tranh gay gắt. Nhưng rõ ràng điều đó chưa làm hài lòng bởi quyết tâm của lãnh đạo Thanh Hoá lớn hơn nhiều, với kỳ vọng “đạt mục tiêu chỉ số PCI đứng thứ 6 vào năm 2020”.
Rõ ràng chính quyền tỉnh đang đặt ra nhiều sức ép về cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh. Đây cũng được xác định là một trong 4 khâu đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh. Để cụ thể hóa quyết tâm chính trị này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách, như: Kết luận số 46-KL/TU ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về Kế hoạch hành động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020;... Năm 2016, ngay sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Thanh Hoá là một trong những tỉnh đi đầu ký biên bản Cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp (ngày 31/5/0216).
Cùng với với đó là hàng loạt các giải pháp, hành động để cụ thể hoá chủ trương trên như: Rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các quy định giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm quy định 3 “không” gồm: (1) không gây phiền hà, sách nhiễu; (2) không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 01 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; (3) không trễ hẹn”. Đến nay, nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng đã được cắt giảm như: thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư còn 20 ngày (giảm 15 ngày so quy định); thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài còn 05 ngày (giảm 10 ngày), các dự án đầu tư trong nước còn 10 ngày (giảm 5 ngày); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn 03 ngày (giảm 02 ngày);
UBND tỉnh đã và đang triển khai thực hiện thực hiện các giải pháp như: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành lịch tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng nhằm tiếp nhận các phản ánh và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác giải quyết thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện, duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở 29/29 sở, ngành cấp tỉnh; 27/27 cơ quan UBND cấp huyện.....
Không chỉ là quyết tâm, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá cũng đã mạnh mẽ triển khai thực hiện công tác cán bộ, sẵn sàng mạnh tay với những trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp. Sở dĩ trong những năm qua, vấn đề cán bộ của Thanh Hoá “nóng hơn” nhiều địa phương khác một phần cũng vì lý do này. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã nhấn mạnh: “Không làm công tác cán bộ là không tạo chuyển biến được, không cải cách hành chính được. Đối với những cán bộ liên quan nhiều đến thủ tục hành chính của các sở thì phải chọn những người có năng lực, đặc biệt là đạo đức, có cái tâm đối với doanh nghiệp, đối với công nghiệp thì mới chuyển biến được”....
Kỳ vọng tăng trưởng tạo động lực
Năm 2018, Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao kỷ lục - 15,16%. GDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD, gấp 1,3 lần năm 2015. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 95 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt 23.500 tỷ đồng;...
Năm 2018, Thanh Hoá cũng có 3.392 doanh nghiệp thành lập mới - cao nhất từ trước đến nay (gấp 2,2 lần so với năm 2016), đưa số doanh nghiệp trên địa bàn lên 13.410, đạt 37,8 doanh nghiệp /vạn dân. Đến ngày 31/12/2018, cả tỉnh thu hút được 258 dự án đầu tư trực tiếp (14 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 21.370 tỷ đồng và 96,3 triệu USD. Trong năm cũng một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Khu đô thị mới phường Điện Biên (TP. Thanh Hóa)... vàmột số dự án lớn được khởi công xây dựng như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II, Dự án số 1 - Khu đô thị mới Trung tâm TP. Thanh Hóa của Vingroup), Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn,… đã làm tăng thêm năng lực sản xuất, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và góp phần vào tăng trưởng của tỉnh.. Một số nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, Nguyễn Hoàng... đang tiếp tục đề xuất đầu tư các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, đô thị, đem đến triển vọng phát triển mới trong thời gian tới.
Những kết quả đạt được trong năm 2018 là nền tảng để Thanh Hoá bước sang năm 2019 có nhiều bứt phá với những mục tiêu, là: Tăng trưởng GRDP trên 20%; GRDP/người trên 2.520 USD trở lên; thu ngân sách 26.642 tỷ đồng; có thêm 01 huyện, 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã; thành lập mới 3.000 doanh nghiệp trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt 27%; giải quyết 68.000 lao động việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%/năm trở lên;...
Với phương châm "sáng tạo, bứt phá để tăng tốc", tỉnh đang tập trung vào các nhóm giải pháp: (1) Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. (2) Thu hút, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, cụ thể cần lưu ý công tác GPMB, xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. (3) Tập trung cao để chỉ đạo các dự án lớn. (4) Giải quyết tốt những vấn đề bức xúc xã hội. (5) Giữ vững và phát huy tốt thành tích văn hóa, xã hội đã đạt được. (6) Đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành; giám sát thực hiện phải chặt chẽ hơn; xử lý kỷ luật nghiêm minh, công tác thanh tra phải tốt hơn...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng lan toả tạo hiệu ứng tốt trong những kết quả về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.