NAM ĐỊNH

Huyện Giao Thủy: Phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm

07:49:31 | 16/4/2020

Ngoài diện tích lớn, dân số đông, Giao Thủy cũng là huyện có nhiều tiềm năng lợi thế và giữ vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Nhằm khai thác tiềm năng và nguồn nhân lực sẵn có, huyện đã chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp (CCN), thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Năm 2019 khép lại ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật và khá toàn diện của huyện Giao Thủy. Theo đó, 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt so với kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp giành thắng lợi lớn, năng suất lúa đứng đầu toàn tỉnh; thu ngân sách trên địa bàn vượt 61,55% dự toán tỉnh giao; văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, tăng 3,5 triệu đồng (so với năm 2018). Giá trị sản xuất của ngành Công nghiệp - Xây dựng (giá so sánh 2010) tăng 15%. Giá trị sản xuất của ngành Dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng 12%. Giá trị xuất khẩu (chủ yếu là hàng dệt may) đạt 51,4 triệu USD, tăng 11,4 triệu USD...

Đẩy mạnh công tác CCHC

Qua trao đổi, ông Nguyễn Thành Mạnh - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Công tác CCHC luôn được chính quyền huyện chú trọng, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2019, huyện đã tập trung đầu tư thiết bị, máy móc và kiện toàn lại nhân sự tại Trung tâm hành chính một cửa của huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc. Đặc biệt, việc đầu tư trang thiết bị cho họp trực tuyến từ huyện đến các xã, thị trấn và việc sử dụng chữ ký số được triển khai đã mang lại hiệu quả. Công tác CCHC của huyện được tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, người dân hài lòng khi đến giải quyết các TTHC.

Bên cạnh đó, xác định giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng trong việc thực hiện dự án đầu tư, huyện đã tích cực tuyên truyền, động viên để người dân thấy được lợi ích của các dự án. Do đó, thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng được diễn ra thuận lợi, các hộ dân đều tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để thực hiện dự án. Đối với các dự án do cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, UBND huyện cũng quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc thu hút nhà đầu tư về đầu tư tại địa phương, UBND huyện cũng chỉ đạo phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức tham vấn cộng đồng tạo sự đồng thuận trong nhân dân địa phương.

Chú trọng phát triển CCN

Không chỉ vậy, xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đề xuất và được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện Giao Thủy được quy hoạch 5 CCN với tổng diện tích 115 ha. Trong đó, giai đoạn I (2020) tập trung đầu tư 2 cụm CCN Thịnh Lâm (22ha) và Hồng Thuận (20 ha). Giai đoạn 2 (từ năm 2021-2025) tiếp tục triển khai các CCN còn lại (cùng có diện tích 20 ha/CCN) là: Giao Tiến, Hoành Sơn, Long Hải. Đến năm 2025, mở rộng CCN Hồng Thuận thêm 13 ha để nâng tổng diện tích lên 33 ha. 

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường bộ ven biển qua huyện sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Nhà máy sản xuất đồ chơi KamFung 2 tại CCN Thịnh Lâm (thị trấn Quất Lâm), cơ sở 3 của Công ty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp, Công ty sản xuất da giày Đức Tín tại CCN Hồng Thuận (xã Hồng Thuận) đều hoàn thành xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động chính thức vào năm 2020, dự kiến hoạt động đúng công suất sẽ thu hút từ 5.000 - 10.000 lao động. Các doanh nghiệp khác được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại các địa phương như: Giao Thanh, Giao An, Hoành Sơn, Giao Tiến và sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian sớm. Việc thu hút được lượng lớn lao động làm trong ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sẽ tạo mức thu nhập cao, tạo của cải vật chất trong nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Thành Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy, năm 2020 được xác định là năm tăng tốc "về đích" của huyện Giao Thủy nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả nhiệm kỳ. Giao Thủy đặt mục tiêu giá trị sản xuất của ngành Công nghiệp - Xây dựng (giá so sánh 2010) đạt 1.510 tỷ đồng, tăng 15%; giá trị sản xuất của ngành Dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng 13%; thu ngân sách trên địa bàn bằng 100% dự toán tỉnh giao (316,24 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu (chủ yếu là hàng dệt may) đạt 45 triệu USD...

Để hoàn thành được các mục tiêu này, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiến hành rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đồng thời đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng tái cơ cấu ngành, đảm bảo phù hợp với thực tế, phát huy tiềm năng, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững. Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt đồng bộ trong công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền cấp xã, thị trấn trong công tác giải phóng mặt bằng. Hằng năm, thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND huyện với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhằm rà soát, đánh giá, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền của huyện, thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai của các nhà đầu tư.

Linh Anh (Vietnam Business Forum)