BẠC LIÊU

Tăng tốc thu hút đầu tư

11:01:24 | 15/7/2020

Thời gian qua với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, Bạc Liêu đã đưa ra và thực hiện thành công nhiều quyết sách quan trọng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), trở thành điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Những con số ấn tượng

Nếu như giai đoạn 2016 – 2017, bình quân mỗi năm tỉnh nhận được khoảng 40 hồ sơ đăng ký đầu tư và xin nghiên cứu, khảo sát với quy mô và giá trị đầu tư nhỏ, thì trong năm 2018 và đặc biệt là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia với sự tham gia chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đã có gần 200 nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài đề xuất đầu tư vào tỉnh trên những lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng,..

Lũy kế đến nay, tỉnh đã thu hút được 141 dự án đầu tư; trong đó có 126 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 32.500 tỷ đồng, 15 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 4,5 tỷ USD.

Chỉ tính riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khảo sát, nghiên cứu, cam kết đầu tư vào tỉnh cho 30 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư lên đến 110 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, đầu năm 2020, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy nhiệt điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu, với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD. Đây là một con số rất ấn tượng cho sự nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua.

Sức hút từ nỗ lực đổi mới và sự cầu thị

Theo ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã xây dựng và đưa ra những giải pháp cụ thể để tạo sức hút trong công tác thu hút đầu tư, đó là:

Định hướng thu hút đầu tư rõ ràng: Dựa trên lợi thế so sánh cạnh tranh về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh so với khu vực và cả nước, Bạc Liêu đã xác định 05 trụ cột để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư là: Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.   

Phương pháp tiếp cận nhà đầu tư: Với định hướng thu hút đầu tư rõ ràng,  lãnh đạo tỉnh chủ động tiếp cận, gặp gỡ, mời chào các dự án đến các nhà đầu tư, tập đoàn trong và ngoài nước có nguồn lực và năng lực.

Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn: Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư khi đến Bạc Liêu, tỉnh sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư với phương châm "Đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục" và đặc biệt áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các nhà đầu tư ở mức cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Tỉnh còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, nơi tiếp nhận và xử lý liên thông thủ tục từ tỉnh xuống huyện, xã và Văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp - nơi tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, hỗ trợ hồ sơ thủ tục khi doanh nghiệp cần; thực hiện mô hình Cà phê doanh nhân - nơi lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm sản xuất kinh doanh.

Sự cầu thị của lãnh đạo các cấp của tỉnh trong công tác thu hút đầu tư: Cùng với sự tận tụy của những cán bộ trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; sự chân tình của người dân đã đọng lại trong lòng các nhà đầu tư khi đến tỉnh là một Bạc Liêu nghĩa tình, thân thiện, cởi mở và hiếu khách; để rồi từ đó, ai cũng muốn gắn bó với mảnh đất gần cực Nam này của Tổ quốc.

Nguồn: Vietnam Business Forum