LẠNG SƠN

Lạng Sơn: Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư

09:36:44 | 10/5/2021

Với mục tiêu đưa Lạng Sơn trở thành vùng kinh tế động lực, chủ đạo trong vùng Đông Bắc, chính quyền tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; qua đó thu hút các nhà đầu tư về xứ Lạng.

Những kết quả tích cực

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: Ban hành các nghị quyết chuyên đề xây dựng cơ chế nhằm thu hút đầu tư; thành lập các ban chỉ đạo điều hành dự án, thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện công trình dự án…Tỉnh cũng cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư; triển khai việc lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung 7 quy hoạch ngành lĩnh vực; 12 quy hoạch sử dụng đất; 17 quy hoạch xây dựng, khu đô thị. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, phức tạp, còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; cắt giảm 30% thời gian thực hiện đối với các TTHC có thời hạn giải quyết từ 3 ngày trở lên…


Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và chủ đầu tư khởi công dự án nhà ở xã hội Lạng Sơn (Green Park)

Với môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi nên Lạng Sơn ngày càng thu hút được nhiều dự án.Trong năm 2020, tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 16 dự án, trong đó có 15 dự án vốn đầu tư trong nước và 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3.729 tỷ đồng; cấp điều chỉnh cho 20 dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 170 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2016 -2020, toàn tỉnh đã thu hút các nguồn vốn đầu tư được trên 66.792 nghìn tỷ đồng, đạt 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn. UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 20.328 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, UBND tỉnh cũng triển khai thực hiện 5 dự án theo hình thức đối tác công - tư với tổng vốn đầu tư 22.342 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn sử dụng đất với tổng vốn đầu tư 8.147 tỷ đồng. Riêng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn có 114 dự án vốn đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 20.000 tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 207 triệu USD.

Đến nay, Lạng Sơn đã trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Toàn cầu TMS, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC)… Nhiều dự án lớn đã và đang được các nhà đầu tư triển khai tạo sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh như: dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; dự án khu trung chuyển hàng hóa; dự án khu đô thị mới Diamond Park của Tập đoàn APEC; cụm công nghiệp Hợp Thành số 1, 2 và khu tái định cư Hợp Thành và nhiều dự án khu đô thị mới tại các huyện và thành phố Lạng Sơn…

Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2021, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ban hành một số nghị quyết chuyên đề triển khai quyết liệt hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt tỉnh sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để khảo sát, điều tra cập nhật các thông tin, ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư để làm cơ sở, căn cứ xây dựng và công bố bộ chỉ số đánh giá chất lượng cải cách hành chính, điều hành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và rào cản đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tỉnh cũng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; nghiên cứu, lập quy hoạch các khu vực phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ dọc các tuyến cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)- Trà Lĩnh (Cao Bằng), Quốc lộ 4A, Quốc lộ 4B, Quốc lộ 1B; Hoàn thiện quy hoạch và thu hút đầu tư đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Hữu Lũng diện tích 600 ha. Nghiên cứu, lập đề án phát triển các khu du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp tập trung ở các khu vực có điều kiện tạo nền tảng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh còn đổi mới công tác xúc tiến đầu tư từ tổ chức, nội dung, hình thức xúc tiến đầu tư. Tập trung xúc tiến đầu tư điện tử; tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách chuyên ngành có liên quan đến hoạt động đầu tư nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến nhà đầu tư. Duy trì, mở rộng xúc tiến đầu tư ngoài tỉnh và nước ngoài nhằm thu hút đối tác, các nhà đầu tư từ ngoài tỉnh và nhà đầu tư từ nước ngoài theo định hướng tập trung vào đối tác đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, các nước trong khối ASEAN, các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vận động nguồn vốn ODA đầu tư vào hạ tầng trọng yếu như: giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, vùng khó khăn...

Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Lạng Sơn đạt 62,43 điểm (tăng 7,82 điểm so với năm 2015); xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố (tăng 8 bậc so với năm 2015). Kết quả này cho thấy chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể, khoảng cách điểm trung bình của tỉnh Lạng Sơn với nhóm xếp thứ hạng khá là 1,41 điểm, nhóm tốt là 4,31 điểm, khoảng cách này ngày càng được thu hẹp. Chất lượng hạ tầng cũng được cải thiện mạnh mẽ, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân ngày càng bình đẳng hơn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, thủ tục hành chính đang được thay đổi theo hướng tích cực.

Trong thời gian tới, với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,  phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, chỉ số PCI nằm trong nhóm khá của cả nước, Lạng Sơn tập trung vào một số giải pháp: tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PCI; xem đây là một nguồn thông tin có cơ sở khoa học, chỉ ra những việc làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước; những phản ánh, ý kiến góp ý, cảm nhận và mong muốn của doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước, nhất là cấp cơ sở. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tinh thần và thái độ trong thực thi nhiệm vụ, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Từ tỉnh đến các sở, ngành, UBND cấp huyện, thành phố nghiêm túc triển khai các nội dung, chương trình nhằm nâng cao chỉ số PCI.
Nâng cao khả năng điều hành, tính quyết đáp, dám chịu trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng các đơn vị; củng cố tinh thần trách nhiệm và tư cách đạo đức của cán bộ làm công tác “một cửa”, các lĩnh vực đầu tư và thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; những sở, ngành, cá nhân làm việc bị kêu ca, phàn nàn nhiều có thể phải thay thế cán bộ.

Các sở, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất phương pháp giải quyết nhanh nhất theo lĩnh vực chuyên ngành, kiến nghị với UBND tỉnh điều chỉnh, loại bỏ các cơ chế, chính sách của tỉnh không còn phù hợp, thiếu tính khả thi làm cản trở hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Nguồn: Vietnam Business Forum