Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp tích cực tạo đòn bẩy để Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp phát triển của cả nước.
Là một tỉnh trung du, miền núi tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư. Phát huy thế mạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh với chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đã chủ động vào cuộc, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ, Ban, ngành Trung ương, các Sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh và trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp. Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên luôn xác định là cơ quan đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trên cơ sở các quy định của pháp luật, của trung ương, địa phương và quy chế quản lý các KCN để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên. Ban đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng các KCN; công tác thu hút đầu tư; bảo vệ môi trường, đất đai, Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp triển khai hoạt động trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi đến tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn; Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức các Hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Những hoạt động tích cực đó luôn được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 07 khu công nghiệp tập trung và 01 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện gần 2.600ha, trong đó đã có 05 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và có các nhà đầu tư cùng 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.335 ha. Đến nay, thu hút được 239 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 8,662 tỷ USD và trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên thu hút 139 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 8,7 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các lĩnh vực. Đến nay đã có 5/7 KCN được đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi vào hoạt động (KCN Quyết Thắng đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng, KCN Phú Bình mới được bổ sung quy hoạch) thu hút 240 dự án với tỷ lệ lấp đầy đạt 61%. Trong đó Khu A - KCN Điềm Thụy đạt 100%, KCN Sông Công II đạt tỷ lệ lấp đầy 96,81%, KCN Yên Bình trên 92%. Doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 30 tỷ USD và hơn 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn lực quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây. Nhờ làm tốt công tác quản lý, mà các khu công nghiệp hoạt động rất hiệu quả, không những giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động mà hàng năm các khu công nghiệp nộp ngân sách chiếm gần 50% tổng thu ngân sách tỉnh. Đó là thành quả từ những chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt: Đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh cũng như của Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên.
Ngay cả khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng để duy trì hoạt động hiệu quả, thông suốt hoạt động “vừa phòng chống dịch – vừa làm việc”, tích cực tuyên truyền, khuyến nghị các tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công, mọi hoạt động cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo công tác với những quy chuẩn trong phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với vai trò đồng hành với các doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN thường xuyên chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời tránh gây ra các nguy cơ lớn ảnh hưởng tới môi trường, người dân và hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.
Có thể nói, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được rất nhiều thành công trong công tác quản lý nhà nước về KCN, giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút thêm nhiều các dự án đầu tư, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên xác định cần phải nỗ lực, đổi mới và sáng tạo hơn nữa để đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, thời gian tới, Ban sẽ chủ động xây dựng các dự án chiến lược, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao để thực hiện xúc tiến các nhà đầu tư, Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo sự tin tưởng và giúp các doanh nghiệp trong KCN tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Nguồn: Vietnam Business Forum