HẬU GIANG

Quyết tâm đưa Hậu Giang bứt phá mạnh mẽ

09:34:39 | 13/6/2022

Với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Hậu Giang năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới cho quá trình thu hút đầu tư, đồng thời cũng là dịp để các cấp chính quyền tỉnh khẳng định quyết tâm bứt phá mạnh mẽ. Xung quanh chủ đề này, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với Vietnam Business Forum (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp). Ngô Khuyến thực hiện.

Hậu Giang đã vượt khó hoàn thành đạt, vượt hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư trong năm 2021. Ông có thể cho biết tỉnh đang phát huy kết quả này ra sao trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Trong năm 2021, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nghiêm ngặt để kiểm soát dịch Covid-19, đồng thời nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tuy phải đối mặt không ít khó khăn nhưng nhờ quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hậu Giang đã vượt khó đạt nhiều kết quả quan trọng, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội như: GRDP tăng 3,08% so với năm 2021; quy mô nền kinh tế ở mức 39.726 tỷ đồng, GRDP/người đạt 54,43 triệu đồng, tăng 2,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn thực hiện 17.330 tỷ đồng, đạt 102,51%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước đạt 13.576 tỷ đồng, thành lập mới 541 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 3.405,08 tỷ đồng,..

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 triển khai đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã và thành phố với mục tiêu “Tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh; ưu tiên bố trí vốn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong lĩnh vực kinh tế cụ thể như: GRDP tăng 8% so với năm 2021; GRDP bình quân đạt 60,26 triệu đồng/người, tăng 10,7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 18.600 tỷ đồng, tăng 7,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.058 triệu USD, tăng 9,18%; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế đạt 2.950 doanh nghiệp, tăng 7%...


Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo; định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 04 khâu đột phá chiến lược, gia tăng nguồn thu ngân sách cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; đồng thời, xác định công tác thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế  - xã hội cho tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Với khát vọng vươn lên đang lan toả, Hậu Giang tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra năm 2022, tạo đà cho cả giai đoạn tăng trưởng bứt phá.

Hội nghị XTĐT năm 2022 là dịp để Hậu Giang tiếp tục quảng bá tiềm năng, thế mạnh; giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh. Vậy đâu là những tiềm năng, lợi thế so sánh, ưu đãi nổi bật của Hậu Giang hiện nay, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 14/3/2022 về việc tổ chức Hội nghị XTĐT tỉnh Hậu Giang năm 2022, diễn ra trong 02 ngày 16-17/6/2022 với nhiều hoạt động trưng bày, hội thảo và đặc biệt là tổ chức tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng.

Hội nghị XTĐT tỉnh Hậu Giang năm 2022 là cơ hội để quảng bá tiềm năng, lợi thế và ưu đãi nổi bật của tỉnh Hậu Giang, cụ thể:

 Về vị trí, Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) với phần còn lại của ĐBSCL và các vùng kinh tế khác cả nước. Một trung tâm logistics tại đây sẽ có lợi thế về chi phí vận tải và tối đa hóa nguồn hàng. Vị trí trung tâm cũng sẽ giúp đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các vùng nguyên liệu, từ đó giảm thiểu rủi ro vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch; có khả năng kết nối giao thông đường bộ, thủy và hàng không để phát triển các loại hình vận tải đa phương thức. Hậu Giang còn nằm bên cạnh trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng là thành phố Cần Thơ, nơi có thể cung cấp các dịch vụ phụ trợ về tài chính và hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, lưu trú... cho cụm ngành logistics.

Về giao thông, Hậu Giang là điểm giao nhau giữa 03 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, tạo sự kết nối thông suốt với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng biển Cần Thơ và cảng biển Trần Đề (giai đoạn đến năm 2030) sẽ mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics. Trên địa bàn tỉnh có 06 tuyến quốc lộ đi qua cùng với việc nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 61C (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang) sẽ tạo điều kiện luân chuyển hàng hóa tăng nhanh về thời gian cùng lưu lượng. Hệ thống đường tỉnh được đầu tư mở rộng, đáp ứng cả những phương tiện trọng tải lớn đã gỡ “nút thắt” giao thông cho Hậu Giang phát triển.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao, Hậu Giang có hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 03 trường cao đẳng, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện, 03 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục, 05 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 08/08 đơn vị hành chính cấp huyện có cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, Hậu Giang đã liên kết với các trường đại học trọng điểm của cả nước, vùng ĐBSCL trong phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT, Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Võ Trường Toản.

Tỉnh Hậu Giang được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất đối với 7/8 địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Doanh nghiệp được hưởng các chính sách về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu... Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư được triển khai, thể hiện sự đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó còn nhiều tiềm năng, chính sách ưu đãi cụ thể khác để thu hút các nhà đầu tư.

Hội nghị XTĐT năm 2022 cũng là dịp lan tỏa phương châm hành động “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” và khẩu hiệu hành động “2 nhanh” (giải phóng mặt bằng nhanh, hoàn thiện thủ tục nhanh) và “3 tốt” (cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt). Ông có chia sẻ hoặc thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp trên địa bàn và nhà đầu tư đang, sẽ đến với Hậu Giang?

Thông điệp lãnh đạo tỉnh muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang và sẽ đến với Hậu Giang trong thời gian tới chính là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, tinh thần cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang cất cánh.

Với thông điệp này, lãnh đạo tỉnh thể hiện lời mời gọi đầu tư mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với cam kết “2 nhanh, 3 tốt”, đó là “giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”; thực hiện tốt “chính quyền điện tử” và “chính quyền phục vụ” người dân và doanh nghiệp. Cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giảm 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum