Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, Công ty cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang đã đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nhà máy xử lý, đường ống dẫn nước đồng thời không ngừng đổi mới hoạt động. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lòng - Chủ tịch HĐQT Công ty.
Ông có thể cho biết tình hình thực hiện các mục tiêu trong năm 2021 và giải pháp “thích ứng linh hoạt, an toàn” trong giai đoạn hiện nay?
Trước những khó khăn trong năm 2021, Công ty đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch Covid -19 để triển khai đến toàn thể người lao động, thành lập Tổ phòng chống dịch, đồng thời dự trù các kịch bản nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, đặc biệt đảm bảo cung cấp nước liên tục cho người dân. Nhờ sự điều hành kịp thời, sâu sát của Hội đồng quản trị cùng tinh thần đoàn kết nỗ lực vượt khó của cả tập thể đã giúp Công ty vững vàng vượt qua dịch bệnh và đạt kết quả đáng kể trong năm 2021: Sản lượng nước sạch đạt 8.594.643m3, đạt 96,08% kế hoạch, doanh thu đạt 61.685 triệu đồng, đạt 100,14% kế hoạch. Kết quả này cũng đã tạo động lực để Công ty tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2022 và các năm tiếp theo.
Trong những năm qua, Công ty đã triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ra sao, thưa ông?
Nhằm đảm bảo công tác quản lý, vận hành đạt hiệu quả cao, Công ty đã và đang thực hiện nhiều giải pháp sau:
Trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, Công ty đã thành lập thêm các tổ quản lý địa bàn để vừa hỗ trợ kỹ thuật cho các trạm nước khi cần và vừa kiểm tra, giám sát hoạt động các trạm cấp nước; đồng thời thành lập các tổ chuyên trách để kiểm tra, giám sát về chuyên môn; kiểm tra theo nội dung hay tổng kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu nghi vấn.
Về công nghệ cấp nước, Công ty đã áp dụng các công nghệ như bổ sung lamella để hỗ trợ lắng cho các trạm cấp nước; đưa công nghệ biến tần vào điều chỉnh, kiểm soát áp lực nước trên tuyến ống để đấu nối, xóa dần các trạm “cấp nước mini”, vận hành áp lực nước theo giờ để tiết kiệm chi phí và chống thất thoát nước.
Công ty cũng tổ chức di dời đồng hồ nước ra phía trước nhà để thuận tiện cho việc ghi chỉ số nước, hạn chế gian lận trong sử dụng nước của khách hàng.
Công ty còn đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách hàng, ghi, thu hóa đơn tiền nước, tin nhắn thông báo tiền nước, thanh toán hóa đơn thông qua ví điện tử VNPT Pay, Agribank, VNPay, Momo…
Bên cạnh đó là việc đưa vào sử dụng trang Zalo doanh nghiệp của Công ty, thông qua ứng dụng để thuận tiện hỗ trợ, trao đổi thông tin với khách hàng như: Thông báo cúp nước, thay đổi thông tin khách hàng, đăng ký lắp đồng hồ, thanh toán tiền nước trực tuyến,... đồng thời khách hàng có thể ghi chỉ số nước hàng tháng qua Zalo.
Ngoài ra, Công ty đã thành lập các nhóm Zalo theo nội dung, tính chất công việc để trao đổi, báo cáo và họp trực tuyến khi cần.
Với việc ứng dụng công nghệ nêu trên, Công ty đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, góp phần giảm chi phí và thuận tiện trong công việc.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Công ty cũng luôn quan tâm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, gắn sản xuất kinh doanh với an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đảm bảo phát triển bền vững, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Những năm gần đây, việc cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động đã được HĐQT, Ban Giám đốc, Công đoàn quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Cụ thể, hàng năm Công ty đã xây dựng kế hoạch ATVSLĐ và triển khai đến các phòng, ban, trạm cấp nước; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ, nhất là tại các công trình cấp nước… và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Ban Giám đốc và đoàn thể cũng tổ chức phát động các phong trào thi đua trong công nhân viên gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh như: Thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”... Qua những phong trào thi đua đã có nhiều giải pháp, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ làm giảm chi phí và giảm thất thoát nước sạch. Cũng từ đây, nhiều tập thể, cá nhân đã được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”…
Để thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch mới cho 20.576 hộ trong giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần XIV, Công ty đang triển khai các nhiệm vụ và giải pháp nào?
Trước mắt, trong năm 2022, Công ty dự kiến thông qua 7 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, kết hợp với mở rộng thêm một số tuyến ống từ nguồn vốn đầu tư tự có, sẽ đấu nối thêm cho khoảng 11.000 khách hàng. Như vậy 3 năm còn lại dự kiến mỗi năm đấu nối thêm hơn 3.000 khách hàng, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Trong các năm tiếp theo, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XIV, Công ty đang tập trung các nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Sửa chữa, cải tạo và nâng cấp các trạm cấp nước hiện hữu không đủ công suất hoặc xuống cấp; xây dựng mới các trạm cấp nước tập trung ở những nơi có nhu cầu cấp thiết từ nguồn vốn ngân sách địa phương, vốn đầu tư Công ty và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để huy động sự tham gia tích cực của người dân và xã hội trong sử dụng nước sạch. Đặc biệt là công tác phối hợp chỉ đạo đồng bộ, lồng ghép hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể từ cấp tỉnh đến địa phương.
Tuy vậy để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, Công ty cũng đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức, cá nhân tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư. Tổng nhu cầu đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, phát triển tuyến ống nước sạch là 13 công trình, với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới được bố trí kinh phí để thực hiện 7 công trình với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, số vốn còn lại thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ đầu giai đoạn đến nay vẫn chưa được bố trí, ảnh hưởng trực tiếp đến Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị giai đoạn 2020 - 2025.
Nhân Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, ông có chia sẻ điều gì?
Việc tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 là dịp để tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư. Hiện UBND tỉnh cũng đang thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ và các văn bản liên quan theo quy định hiện hành.
Về phía Công ty luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị có đủ năng lực về chuyên môn, tài chính, công nghệ áp dụng vào công tác quản lý, vận hành, chống thất thoát nước tại các trạm cấp nước để đưa Công ty ngày càng phát triển, bắt kịp với xu thế phát triển chung của lĩnh vực cấp nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum