HÀ NỘI

Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

10:34:52 | 20/9/2022

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật với 100% số xã; 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Chương trình liên tục có những cách làm mới trong nâng cao đời sống kinh tế-xã hội, cải tạo hạ tầng với những mục tiêu mới được đặt ra. Những vùng đất nghèo khó đã chuyển mình. Vùng ven đô tiệm cận dần với đô thị.


Nông thôn mới Hà Nội khang trang, xanh – sạch – đẹp

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến hết quý II/2022, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, bao gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Các huyện Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.

Đạt được những kết quả trên phải nhắc đến sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân, trong đó có dấu ấn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" và vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (Cơ quan Thường trực Chương trình số 04-CTr/TU) trong việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM thông qua những nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực.


Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU lưu ý, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm dừng, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về đích theo đúng kế hoạch.

Theo Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết, kinh tế nông thôn phát triển đã góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống người dân. Đáng chú ý, một số huyện có thu nhập bình quân cao vượt trội như Thạch Thất 70 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 62 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 61,2 triệu đồng/người/năm…Nhờ hạ tầng nông thôn phát triển cùng sự thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất của các cấp, các ngành, nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được hình thành, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang; 90% người dân đã tham gia đóng bảo hiểm y tế tự nguyện; 100% các xã được kết nối internet; hầu hết các gia đình có điện thoại để sử dụng. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%, trong đó có 4 huyện không còn hộ nghèo gồm Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức.

Phúc Thọ là huyện nằm trong "tốp cuối" của thành phố. Huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng", trong đó nổi bật là tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với đại diện nhân dân để cùng tìm ra hướng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Phúc Thọ triển khai các mô hình phát triển kinh tế, xã hội; phát động cuộc vận động ba sạch, gồm nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao nhận thức và quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn, cũng như trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp của người dân. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết: Ðến nay, huyện đã phát triển được 480ha rau an toàn tập trung, hơn 450ha hoa, cây cảnh, 1.000ha cây ăn quả, hơn 3.060ha lúa chất lượng cao. Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, tương nếp Tam Hiệp…, nâng cao giá trị sản phẩm, đời sống người dân.

Ba Vì cũng luôn là địa bàn được nhắc đến nhiều nhất, nhất là các xã vùng núi như: Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng, Minh Quang... Nhưng đó là chuyện cũ. Yên Bài là xã có 45% dân số là người Mường, giao thông khó khăn, dân trí chưa cao là lực cản lớn cho sự phát triển. Xã đã chọn hướng đi là tập trung khai thác kinh tế vườn đồi bằng các mô hình trồng bưởi Diễn, trồng chè, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, kết hợp với các mô hình gà đồi. Thôn Phú Yên là một thí dụ. Hiện nay cả thôn có 200 hộ dân thì 100% hộ dân trồng bưởi kết hợp trồng chè. Thu nhập bình quân mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Bùi Văn Lập là chủ nhân của vườn bưởi 7.000m2 với 300 cây trồng theo quy trình VietGAP, toàn bộ sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi vụ thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng. Toàn xã hiện có 1.500 con bò sữa, 100% hộ liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp... Từ "rốn nghèo" của thành phố, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì chỉ còn 0,17%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,98%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 91%; 30/30 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Ba Vì phấn đấu năm 2022 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

Từ chủ trương xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm kết thúc, hiện nhiều "vùng đất khó" của Hà Nội sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục hướng đến nông thôn mới nâng cao, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một cải thiện.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Nội luôn quan tâm, đầu tư kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập; mạng lưới trường lớp, quy mô các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng phát triển. Với sự nỗ lực không ngừng, từ nay đến cuối năm, Hà Nội phấn đấu có thêm 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm… Đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, phát triển 5 huyện trở thành quận, 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Phát biểu tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện chương trình đến hết quý II, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, xây dựng NTM là nhiệm vụ không có điểm dừng, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về đích theo đúng kế hoạch. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng NTM…

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)