QUẢNG NGÃI

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

08:55:38 | 3/4/2023

Nông nghiệp vẫn được xác định là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, ngành Nông nghiệp địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện, phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững,… từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.


Mô hình liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Đức Phú (huyện Mộ Đức) với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT

Năm 2022, vượt qua nhiều thách thức, ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi nỗ lực phục hồi, tăng trưởng theo hướng xanh, ổn định và bền vững. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt hơn 18.300 tỷ đồng; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Toàn ngành đã chuyển đổi 672,6ha đất trồng lúa kém hiệu quả và trên 583ha đất trồng mì sang trồng cây hàng năm khác. Xây dựng 105 cánh đồng lớn, (tổng diện tích gần 1.872ha), tăng 43 cánh đồng (gần 974ha) so với kế hoạch. Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 268,8 nghìn tấn; thủy sản nuôi trồng ước đạt 9.650 tấn. Trồng mới rừng tập trung trên 28,5 nghìn ha, đạt hơn 117% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,75%; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt trên 2,25 triệu m3,…

Song hành với chuyển dịch cơ cấu, ngành Nông nghiệp cũng tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn, các công trình thủy lợi. Qua đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ và chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai thực hiện; đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng; đến cuối năm 2022, tỉnh đã phân hạng và công nhận 90 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 05 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao,…

Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi vẫn còn những hạn chế do tác động của các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh; giá nhiên liệu và các loại vật tư nông nghiệp tăng cao. Thêm vào đó, việc thực thi các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm,… dẫn đến sản lượng và quy mô còn hạn chế; chất lượng nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều, giá trị cạnh tranh thấp.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân 4 -5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp khoảng 48 - 50%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm,... Trên 50 hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả; trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 50% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; phấn đấu đến năm 2025, có 119 xã và 6 huyện đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn quốc; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)