Ông Yamada Takio Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã ghi nhận sự chủ động của Vĩnh Phúc trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản như lập một cơ quan riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản; ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp Nhật Bản; ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh gọn, đặc biệt là các dự án mới. Ông Yamada Takio cho rằng, việc tăng cường quan hệ ở cấp độ địa phương sẽ góp phần phát triển và củng cố tổng thể quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Vĩnh Phúc trong việc quảng bá hình ảnh của tỉnh đến các nhà đầu tư đầu tư Nhật Bản.
Điểm đến an toàn và hấp dẫn
Để tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, tỉnh đạt 68,91 điểm, xếp vị trí thứ 8 về chỉ số PCI. Trong các chỉ số thành phần, Vĩnh Phúc nổi bật ở vị trí thứ 4 cả nước với chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, địa phương cũng tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, quy hoạch phát triển các khu đô thị, dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, để chào đón các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc, tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 6.000ha, có vị trí nằm dọc các trục quốc lộ thuận lợi về giao thông. Trong đó 18 khu công nghiệp diện tích trên 5.200ha và 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600ha. Cùng với đó là quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10-20 năm tới.
Bám sát định hướng này, tỉnh đang hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư cho giai đoạn mới. Trong đó, địa phương chú trọng đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các chương trình, dự án ODA Nhật Bản giúp giải quyết một số vấn đề bất cập hiện nay như: Thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện hệ thống giao thông,... Tỉnh cũng đã điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư, hướng đến các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao không chỉ đưa kinh tế - xã hội phát triển mà còn góp phần hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, các chuỗi sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa,…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất; hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư. Hỗ trợ tín dụng một số ngành, lĩnh vực ưu tiên cho các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.
Xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ; thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút đầu tư chọn lọc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Có mặt tại Vĩnh Phúc ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh là Công ty Honda Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam (hai nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua hơn 26 năm đầu tư tại Vĩnh Phúc, hai doanh nghiệp trên thường xuyên lọt Top đầu những doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả và nộp thuế hàng đầu Việt Nam. Hiệu ứng đầu tư kinh doanh thành công của hai doanh nghiệp này đã tạo lực hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư FDI nói chung.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, đại diện Honda Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất quy mô hơn 70ha (với 2 nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy, 1 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn hiện đại bậc nhất Việt Nam). Trải qua chặng đường 26 năm, Honda Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, Honda Việt Nam luôn cảm thấy an toàn và yên tâm khi đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, Vĩnh Phúc cũng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng điển hình là Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản. Nhận thấy tiềm năng lợi thế của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2015 Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã quyết định đầu tư KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản.
KCN Thăng Long III có tổng diện tích hơn 213ha, với tổng vốn đầu tư trên 135 triệu USD. Mục tiêu của KCN là thu hút các lĩnh vực công nghiệp không gây ô nhiễm, ưu tiên dự án công nghệ cao như: Sản xuất động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy; phụ kiện điện tử và sản phẩm cơ khí chính xác. Đến nay, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã thu hút được 34 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 1.139,58 tỷ đồng và 811,27 triệu USD; đã có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt hơn 81%.
Ông Masuoka Hiroyoshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Ngày càng nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản đến Vĩnh Phúc vì họ muốn tranh thủ những thế mạnh của Vĩnh Phúc như vị trí sát cạnh Hà Nội, logistics, nhân lực, hỗ trợ của chính quyền. Nguồn nhân lực luôn dồi dào, được đào tạo tốt. Mỗi khi chúng tôi gặp vấn đề hay khó khăn gì thì đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền. Họ sẵn sàng gặp gỡ chúng tôi để giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại chỗ. Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã lấp đầy hơn 81%, thu hút nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao.
Tăng cường giao lưu, kết nối giá trị văn hóa địa phương
Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế. Tỉnh đã thiết lập và có lịch sử 27 năm quan hệ hợp tác với các địa phương ở Nhật Bản (từ năm 1995) và tiếp tục có quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với tỉnh Akita từ năm 2015 và tỉnh Tochigi Nhật Bản từ tháng 12/2021.
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư đứng thứ hai về vốn đăng ký và số dự án tại Vĩnh Phúc. Tính đến hết tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh có 62 dự án đến từ Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh với số vốn đăng ký 1,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Công nghiệp cơ khí, ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, hạ tầng khu công nghiệp (KCN), đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh, chiếm 88% trên tổng giá trị nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Trong số các nhà đầu tư Nhật Bản hiện diện tại Vĩnh Phúc, có rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Sumitomo… đặc biệt gần đây nhất, tỉnh đã thu hút thêm Tập đoàn Sojitz với dự án “Chăn nuôi, chế biến thịt bò tại huyện Tam Đảo” liên doanh với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, đầu tư, Vĩnh Phúc cũng luôn quan tâm, tăng cường mở rộng hợp tác hữu nghị với các đối tác Nhật Bản trong các lĩnh vực như: Văn hóa, giáo dục, du lịch, xuất khẩu lao động,…
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, đón tiếp các đoàn nghệ thuật của Nhật Bản tới biểu diễn như đoàn văn hóa nghệ thuật tỉnh Nagano; giao lưu văn hóa nhân dân kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; Triển lãm hoa anh đào tại quảng trường TP. Hồ Chí Minh; TP.Vĩnh Yên và tổ chức ngày Lễ tạ ơn Lao động Nhật Bản hàng năm…
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã hợp tác với một số đối tác của Nhật Bản như Hiệp hội đầu tư khu vực Nhật Bản, Trung ương Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghiệp đoàn các doanh nghiệp tỉnh Okayama đưa lao động, thanh niên của tỉnh sang thực tập kỹ năng lao động, làm việc tại Nhật Bản…
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Hai nước đang phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm trực tuyến hồi đầu năm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Kishida Fumio về tạo đột phá, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Đây là những điều kiện rất tốt để Vĩnh Phúc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Nhật Bản luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như những đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh. “Tin tưởng rằng với sự quan tâm của Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, đối tác Nhật Bản nói riêng sẽ ngày càng phát triển”,
Hoàng Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI