Theo công bố của VCCI năm 2022, PCI tỉnh Ninh Thuận đạt 65,43 điểm, tăng 3,20 điểm, tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. Có thể thấy, tỉnh Ninh Thuận đã thành công trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp xuyên suốt trong cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành hiệu quả cùng doanh nghiệp.
Được biết, trong năm 2022, VCCI bổ sung chỉ tiêu đánh giá những bước tiến về quản trị môi trường (Chỉ số xanh cấp tỉnh - PGI), Ninh Thuận xếp hạng thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần, Ninh Thuận có 7 chỉ số tăng điểm số và thứ hạng, gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền tỉnh và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Có 3 chỉ số giảm điểm số và thứ hạng là Chi phí không chính thức, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Có thể nói, thành công của Ninh Thuận chính là đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát với thực tế, đặc biệt đề cao vai trò người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm, năng động, tiên phong, có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đánh giá, trong quá trình hướng đến mục tiêu, tỉnh vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Do vậy, việc tập trung phân tích những điểm nghẽn trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh tại từng sở, ban, ngành và trên địa bàn tỉnh là cấp thiết.
Ninh Thuận cũng phấn đấu đạt điểm số PCI năm 2023 khoảng 68,9 điểm, đưa PCI của tỉnh vào nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế khá. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 20%; Đào tạo lao động 20%; Tính minh bạch 20% và Chi phí không chính thức 10%. Tỉnh cũng phấn đấu chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, Gia nhập thị trường đạt từ 7,77 điểm lên trên 7,87 điểm; Tiếp cận đất đai tăng từ 7 điểm lên trên 7,50 điểm; Tính minh bạch tăng từ 6,08 điểm lên trên 6,60 điểm; Chi phí thời gian tăng từ 7,36 điểm lên trên 7,50 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,55 điểm lên trên 6,20 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh tăng từ 7,11 điểm lên trên 7,50 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,52 điểm lên trên 6,15 điểm.
Theo đó, tỉnh tiếp tục tập trung đề ra những giải pháp đột phá, giải quyết những nút thắt về thể chế, tạo sự cải cách mạnh mẽ, thực chất của hệ thống hành chính; phấn đấu điểm trung vị năm 2024 trung bình tăng khoảng 05 điểm (đạt mức 77 điểm khối sở, ban, ngành và 76 điểm khối huyện, thành phố). Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn, thông thoáng. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền. Mọi công tác của tỉnh đều trên tinh thần thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Trần Quốc Nam, một giải pháp xuyên suốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh là tăng cường gặp gỡ, đồng hành, đối thoại rộng mở với doanh nghiệp, doanh nhân, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông lực cản đồng thời có giải pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Mục tiêu ngắn hạn của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, đưa Chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI