“Với phương châm làm việc “Chuẩn mực - Chất lượng - Hiệu quả” cộng với tinh thần đoàn kết thống nhất, lãnh đạo tận tâm, trách nhiệm và đội ngũ giáo viên toàn tâm, toàn ý đã mang đến hiệu quả cao trong công tác đào tạo của nhà trường trong những năm qua.” Thầy Nguyễn Quang Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang chia sẻ.
Ông có thể điểm lại một số kết quả nổi bật của Trường trong những năm gần đây?
Năm học 2022-2023, Trường tổ chức hoạt động đào tạo với kết quả nổi bật như sau: Tuyển sinh cao đẳng và Trung cấp chính quy đạt 100% chỉ tiêu đề ra với 1.200 học sinh, sinh viên vào học tại trường. Hiệu chỉnh, bổ sung 23 chương trình môn học, thẩm định đưa vào sử dụng 10 giáo trình do giảng viên biên soạn. Tổ chức có nền nếp hoạt động dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến các môn học, mô đun trong các chương trình đào tạo.
Toàn cảnh Trường Cao đẳng Tiền Giang
Tại Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Trường có 17 nhà giáo tham gia, đạt 17 giải thưởng cá nhân (02 giải nhất, 04 giải nhì, 04 giải ba và 07 giải khuyến khuyến khích), góp phần mang lại giải nhất toàn đoàn cho Trường Cao đẳng Tiền Giang.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật được viên chức hưởng ứng với 35 sản phẩm khoa học là sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bài báo đăng Tạp chí khoa học chuyên ngành và các mô hình dạy thực hành nghề được nghiệm thu để áp dụng trong thực tiễn.
Hơn 60 quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo nghề được triển khai thực hiện đưa hoạt động của Trường trên các mặt đi vào nề nếp, tiếp cận mục tiêu chất lượng đã công bố trên Trang thông tin điện tử của trường.
Trường được tổ chức kiểm định độc lập do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ủy nhiệm đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định có giá trị trong thời hạn 5 năm (2023-2028).
Kết quả theo dấu HSSV cho thấy có 97 % HSSV tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo sau 1 năm tốt nghiệp. Số HSSV tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật - công nghệ được đào tạo không đủ cung cấp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Hiệu trưởng Nguyễn Quang Khải tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn đào tạo nghề Avestos (Đức) về hợp tác đào tạo
Trường triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các mặt hoạt động. Phần mềm quản lý đào tạo và phần mềm theo dấu người học được chính giảng viên ngành công nghệ thông tin của Trường thiết kế; phần mềm tuyển sinh và nhập học trực tuyến được bộ môn Công nghệ thông tin thiết kế áp dụng trong công tác tuyển sinh từ năm 2022- 2023.
Trường đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu đào nhân lực của xã hội ra sao?
Những năm gần đây, Trường đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị dạy học với 1.120 đầu thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai giảng dạy 24 ngành nghề. Hạ tầng công nghệ thông tin và môi trường nhà trường khang trang, sạch đẹp hơn. Tổ chức quản lý, khai thác sử dụng thật khoa học, hiệu quả trang thiết bị tại 42 nhà xưởng thực hành hiện có. Tranh thủ nguồn vốn từ kinh phí không tự chủ do ngân sách địa phương cấp (khoảng 2-3 tỉ đồng) và nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu phát triển hoạt động dạy nghề do Bộ LĐTBXH hỗ trợ hàng năm (khoảng 3-4 tỉ đồng) để đầu tư trang thiết bị, cải tạo nhà xưởng phục vụ đào tạo nghề.
Hiệu trưởng Nguyễn Quang Khải trao bằng tốt nghiệp cho HSSV
Nhờ kết hợp thật tốt giữa đào tạo theo yêu cầu chuẩn giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giữa thực tập nghề tại doanh nghiệp (30 ngày/năm) với tự đào tạo - bồi dưỡng của mỗi nhà giáo mà nhà trường có đội ngũ nhà giáo được nâng lên về chất lượng với 100% đạt chuẩn chuyên môn - nghiệp vụ.
Đến nay, Trường xây dựng 40 chương trình đào tạo thuộc 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp của 24 ngành nghề. Ban hành 710 giáo trình giảng dạy các nghề. Các chương trình, giáo trình đào tạo được Trường cập nhật, bổ sung, phát triển theo định kỳ 2 năm/ lần đảm bảo phù hợp và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp đã được Nhà trường định hướng ra sao, thưa ông?
Đào tạo nghề gắn với thực tế về nhu cầu nguồn nhân lực phát triển KT- XH của địa phương và doanh nghiệp được nhà trường chú trọng trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện thật tốt trong những năm tới.
Để làm được điều đó, hàng năm, Trường kết hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo và phối hợp tuyển sinh, đào tạo nguồn lao động (ngắn hạn, dài hạn) cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Theo đó, quan hệ giữa nhà trường với Doanh nghiệp cũng gắn kết bền chặt với nhiều hoạt động thiết thực. Trường kết hợp với 22 doanh nghiệp và 20 cơ sở sản xuất kinh doanh trong hoạt động đào tạo nghề để thực hiện 5 nội dung: (1) góp ý hiệu chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo; (2) tham gia bồi dưỡng lòng yêu nghề và huấn luyện kỹ năng mềm cho HSSV; (3) cùng tham gia đào tạo nghề thông qua hoạt động thực hành tại doanh nghiệp; (4) tiếp nhận HSSV thực tập; (5) tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động do Trường đào tạo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại thời điểm tháng 11/2022, Trường Cao đẳng Tiền Giang có 223 viên chức với 181 giảng viên cơ hữu. Tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 32%. Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo 24 nghề cả 3 trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp với lưu lượng 2.500 - 2.700 HSSV/năm (thuộc 4 khối nghề: Kinh tế; Kỹ thuật - Công nghệ; Điện - Điện tử; Văn hóa nghệ thuật và Du lịch). Ngoài ra, Trường thực hiện dịch vụ đào tạo nghề lái xe các hạng A1, A2,B,C,D với lưu lượng 1.200 HV/ năm, liên kết với các trường đại học công lập khu vực phía Nam đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học khoảng 400 sinh viên/năm. |
Nguồn: Vietnam Business Forum