Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% - 75%; tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 34%; ngành dịch vụ là 51%,… Nhân lực sẽ trở thành nền tảng, lợi thế đặc biệt để chuyển dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Quyết tâm lớn
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nổi bật trong đó là Nghị quyết số 17 ngày 13/5/2022 về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% - 75%, riêng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% - 35%; 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, một số nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế; phấn đấu trên 80% người học có việc làm sau đào tạo;… Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% - 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% - 55%,…
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17 và Đề án Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch năm để cụ thể hóa hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo từng năm.
Không chỉ vậy, sau khi Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được ban hành, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 333-KH/UBND ngày 02/10/2023 triển khai thực hiện Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 15/8/2023 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW,...
Từ việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng nâng lên; nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đã đạt và vượt. Nguồn nhân lực từng bước phát triển và cơ bản được sử dụng hiệu quả. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đội ngũ trí thức của Thừa Thiên Huế được đánh giá đứng thứ nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng.
Sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng Cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực, làm đầu mối liên thông, tích hợp dữ liệu nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực. Đây sẽ là cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực lao động.
Đáp ứng nhu cầu phát triển
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Những năm gần đây, hệ thống GDNN của Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển về quy mô, đổi mới tích cực rõ nét về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo;... Trong đó, sự gắn kết giữa cơ sở GDNN với thị trường lao động luôn được quan tâm triển khai hiệu quả. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp, hoạt động thông tin thị trường lao động đã góp phần giải quyết việc làm cho 17.009 người lao động, trong đó đưa 2.300 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng xây dựng Thừa - Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở bốn trụ cột là văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chú trọng đến vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin.
Bám sát yêu cầu này, tỉnh đang tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Cụ thể, tập trung phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu ngành Du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá và kinh tế biển là thiết yếu.
Thừa Thiên Huế xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. |
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về đổi mới, phát triển GDNN; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về GDNN; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Có kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN; gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN.
Thông qua đó, đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững giai đoạn 2021- 2025 và 2026 - 2030.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI