Từ một huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn, bằng những chính sách quyết liệt, đồng bộ, huyện Mê Linh đang bứt phá từng ngày, trở thành cực tăng trưởng mới phía Bắc Thủ đô với mô hình vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và sinh thái kết hợp công nghệ cao.
Cấp ủy, chính quyền huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nơi thu hồi đất thực hiện dự án
Bứt phá mạnh mẽ sau 15 năm “về” Thủ đô
Tháng 5/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Ngày 01/8/2008, huyện Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội. Từ một huyện còn nhiều khó khăn, đến nay Mê Linh đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi thay theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất 15 năm qua là kinh tế của huyện phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng trưởng ở mức 9,8% (tăng gần 40% so với năm 2008). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ.
Hiện nay, toàn huyện có trên 1.800 doanh nghiệp, 81 hợp tác xã, trên 10 nghìn hộ sản xuất kinh doanh cá thể, đóng góp lớn vào thu ngân sách địa phương. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển luôn ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân đạt 110,8%/năm, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ đạt bình quân 11,7%.
Huyện đã phát triển 2 khu công nghiệp (Quang Minh I và Quang Minh II) với diện tích hơn 700ha, tỷ lệ lấp đầy 95%, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, Công ty TNHH Terumo Việt Nam, Nhà máy Bia Hà Nội, Công ty Nitori Việt Nam,...
Trong nông nghiệp, mặc dù diện tích gieo trồng giảm song giá trị sản xuất ngày càng tăng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tạo ra những sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho người dân. Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, huyện đã hoàn thành 16/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Thành phố giao, trong đó 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 35.983 tỷ đồng (đạt 100,3% kế hoạch), tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp tăng 9,1%; dịch vụ tăng 10,9%; nông nghiệp tăng 2,5%. Cơ cấu các ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông nghiệp tương ứng lần lượt đạt 86,9%; 6,5%; 6,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, (tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,03% (giảm 10,44% so với cách đây 15 năm).
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. An sinh xã hội được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Mê Linh) hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thông giữa huyện Mê Linh với 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc
Thành phố tương lai phía Bắc Thủ đô
Nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, Mê Linh là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Trên địa bàn huyện có đường vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua; cách sân bay Nội Bài khoảng 8km; có đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, hiện nay, huyện đang được Thành phố quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn như: Đường vành đai 4 (dài 11,2km) - cầu Hồng Hà; đường vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48m); đường Cảng Chu Phan - quốc lộ 2; đường đê sông Hồng (dài 21km),…
Đặc biệt, tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000ha đất đô thị, không gian phát triển tốt. Thời gian qua, hàng loạt các dự án như: Làng hoa Tiên Phong, khu đô thị Hud Mê Linh Central - Thanh Lâm - Đại Thịnh, khu CEOHOMES Hana Garden,… được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo đô thị địa phương.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn, Mê Linh được định hướng phát triển theo hướng đô thị và trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch.
Bám sát định hướng này, Mê Linh sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Mê Linh là một trong những huyện đầu tiên trong cả nước có quy hoạch trở thành thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng của Thủ đô Hà Nội, kỳ vọng đóng góp cho sự phát triển của đô thị địa phương. |
Huyện tập trung phát triển không gian vùng theo mô hình “Một trục - Hai cánh - Năm hành lang liên kết”. Cụ thể, một trục động lực là vành đai 4, với hai cánh phát triển gồm cánh phía Tây: Khu vực phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới...; cánh phía Đông: Khu vực tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính, trung tâm dịch vụ thương mại. 5 hàng lang liên kết: Hành lang ven sông Hồng, sông Cà Lồ; hành lang dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; hàng lang dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh; hành lang dọc tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập.
Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao; chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để khởi công các dự án, hoàn thành chỉ tiêu về giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng chính quyền số, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
“Qua đó, khơi thông các nguồn lực, đưa Mê Linh ngày càng phát triển, trở thành đô thị vệ tinh mới, cực tăng trưởng và là một trong những khu vực phát triển sôi động của Thủ đô”, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum