Đồng hành với doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, ngành Xây dựng tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường thuận lợi để triển khai các dự án hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân. Ông Hà Ngọc Chung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên về nội dung này.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Sơn La biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2023 và phát động thi đua năm 2024
Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của ngành Xây dựng tỉnh Sơn La trong năm 2023?
Năm 2023, ngành Xây dựng tỉnh Sơn La đã tổ chức thẩm định các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, có tính chất thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương như: Dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ (tổng mức đầu tư 261,789 tỷ đồng); dự án Đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng); dự án Đường trục chính nội thị huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La (tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng); dự án Kè chống sạt lở khu Trung tâm hành chính huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng); dự án Trụ sở làm việc Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Sơn La với tổng mức đầu tư 169 tỷ đồng; dự án Tổ hợp trang trại sinh thái bò sữa công nghệ cao Mộc Châu với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng;...
Theo đó, ngành đã chủ động tham mưu trong công tác quy hoạch xây dựng, làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, tiến độ, trong đó đã triển khai lập, phủ kín các đồ án quy hoạch vùng liên huyện (Quy hoạch vùng dọc Quốc lộ 6; Quy hoạch vùng dọc lòng hồ Sông Đà; Quy hoạch vùng cao, biên giới). Hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh 04/07 đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025 (gồm: Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã; thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu; thị trấn Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp và đô thị Vân Hồ); đang triển khai rà soát, điều chỉnh 03/07 đô thị (đô thị: Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu). Hoàn thành công tác lập quy hoạch, phủ kín 100% các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên diện tích quy hoạch chung; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết cũng được gia tăng đáng kể. Các đồ án quy hoạch khu chức năng cũng được quan tâm, triển khai nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ cao. Nổi bật trong đó là Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và các đồ án quy hoạch phân khu du lịch, phân khu công nghiệp (Khu công nghiệp Vân Hồ) trong khu du lịch theo định hướng quy hoạch chung và một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh (Khu du lịch đèo Phạ Đin, huyện Thuận Châu; Khu công nghiệp Mai Sơn, huyện Mai Sơn;...).
Bên cạnh các đồ án đã hoàn thành, tỉnh Sơn La đang tổ chức lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm từng bước bổ sung, hệ thống hóa các cấp độ quy hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới Ngọc Chiến, huyện Mường La làm cơ sở xây dựng, phát triển xã Ngọc Chiến, huyện Mường La thành đô thị loại V trong giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Triển khai lập quy hoạch xây dựng khu chức năng có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa,... trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Khu du lịch Tà Xùa; Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La;...
Ông đánh giá sao về quá trình hợp tác, đồng hành giữa ngành Xây dựng với DN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?
Thời gian vừa qua, trong bối cảnh cộng đồng DN phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và cả những cơ hội đan xen, các cấp chính quyền và Ngành Xây dựng luôn quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19; tiếp thu ý kiến của DN và các tổ chức để xây dựng cộng đồng DN đoàn kết, chuyên nghiệp.
Điều đó được thể hiện qua chất lượng điều hành, quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng tiếp tục có sự cải thiện. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có sự chuyển biến tích cực khi giúp các DN tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt với các loại tài liệu quy hoạch; người dân, tổ chức và DN được tiếp cận đầy đủ, kịp thời với hệ thống tin, dữ liệu về quy hoạch, thị trường bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật, thông tin năng lực tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, các thủ tục hành chính có liên quan,… Ngành Xây dựng tỉnh kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân, DN trong thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực xây dựng; từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH.
Sở Xây dựng cũng tăng cường, chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cùng Hiệp hội DN tỉnh, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã thúc đẩy hoạt động đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động của DN. Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, Sở Xây dựng đều tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Thực hiện công bố, công khai số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Các giải đáp, thắc mắc của các DN, tổ chức, cá nhân được Sở Xây dựng đăng tải thông tin phản hồi công khai trên trang thông tin điện tử của Sở hoặc giải đáp trực tiếp thông qua công văn/đối thoại DN.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục thường xuyên tăng cường thực hiện công tác đối thoại, tiếp xúc DN thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN; từng bước xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên cơ sở tuân thủ và thượng tôn pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Công (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI