VĨNH PHÚC

Vĩnh Phúc: Kiến tạo môi trường công nghiệp xanh - tăng sức hút cho các KCN

10:23:15 | 7/10/2024

Nhằm tăng sức hút với các nhà đầu tư chiến lược, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT); đầu tư nguồn lực, xây dựng cảnh quan hướng tới trở thành KCN xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường. Xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã có buổi trao đổi với phóng viên về thực trạng và các giải pháp được áp dụng tại các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Sự phát triển của các KCN có tác động tích cực đến kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đối với môi trường, điều này có ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các KCN. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự phát triển của các KCN thời gian qua đã phần nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong quá trình vận hành các nhà máy, lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, vệ sinh công nghiệp và sinh hoạt của công nhân viên trong các doanh nghiệp là không nhỏ.


Công ty TNHH Exedy Việt Nam, KCN Khai Quang

Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, ngay từ khi bắt đầu thành lập các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển các KCN phải đi đôi với BVMT, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững trong các KCN. Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã đặc biệt quan tâm đến công tác BVMT trong các KCN, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất đến môi trường.

Thực tế tại các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện nay đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, với quy mô xử lý đạt 21.800 m3/ngày/đêm. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đều dành trên 20% diện tích toàn khu để xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống cây xanh, mặt nước (riêng cây xanh đạt trên 10%) đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho một KCN kỹ thuật cao.

Lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất do các doanh nghiệp thứ cấp phải chịu trách nhiệm xử lý đạt quy chuẩn theo quy định của công ty hạ tầng KCN, sau đó được đấu nối và xả thải ra hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đều được các chủ nguồn thải phân loại, ký kết hợp đồng với các đơn vị có chức năng phù hợp được phép của cơ quan chức năng thu gom, vận chuyển đi xử lý theo đúng quy định về BVMT.

Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, thời gian qua, công tác quản lý môi trường được Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc triển khai như thế nào?

Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đôn đốc, giám sát chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT, trồng cây xanh trong KCN; tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, nhằm nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng KCN. Bên cạnh đó, Ban thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện công tác BVMT, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường trong KCN, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong KCN.


Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện II

Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2024: Ban đã triển khai Kế hoạch trồng cây xanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh năm 2024; các văn bản tăng cường thực hiện thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh và BVMT trong các KCN; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024 trong các KCN; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh; phát động Tết trồng cây nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024; tăng cường bảo đảm công tác an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể; tổng hợp tính toán các chỉ số đánh giá kết quả BVMT các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023; xin ý kiến các Sở, Ngành và đề xuất UBND tỉnh về việc bổ sung/không bổ sung các ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN Bá Thiện – Phân khu I nhằm đảm bảo công tác BVMT KCN theo các quy định hiện hành; xác minh làm rõ việc xả nước thải của các doanh nghiệp tại KCN Tam Dương II - Khu A; Cung cấp thông tin, số liệu phục vụ xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2024;

Cùng với đó, tham gia Hội đồng ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 11 dự án; tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường cho 07 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định cấp Giấy phép môi trường của tỉnh cho 38 Dự án; tham gia ý kiến tham vấn về quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường cho 11 Dự án…

Có thể nói, hiện nay các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang xây dựng thành công theo định hướng phát triển bền vững. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tập trung vào những hoạt động nào trong thời gian tới?

Để giữ vững và tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh một số hoạt động trọng tâm sau: Rà soát quy hoạch các KCN để đảm bảo các quy hoạch KCN đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Quá trình lập quy hoạch các KCN tiếp theo phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đề xuất các giải pháp giảm thiểu và BVMT. Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Cùng với đó, thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với thực tế và phù hợp với địa phương; thu hút có trọng tâm, trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án BVMT. Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN.

Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt quy chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung, trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT, đặc biệt trong vấn đề đồng thuận ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về BVMT; không phê duyệt, cấp phép xây dựng các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm.

Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng trong các KCN, động viên kịp thời các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)