Tỉnh Yên Bái xác định: Khơi thông các nguồn lực cho phát triển; thu hút đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa địa phương; phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ vào năm 2030 theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái để tìm hiểu sâu hơn về nội dung này.
Những năm qua, Yên Bái trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chia sẻ của ông về kết quả thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2024 cũng như chất lượng triển khai các dự án trên địa bàn?
6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án, trong đó có 02 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 3.100 tỷ đồng và 125 triệu USD; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án,… Hiện nay, toàn tỉnh có 631 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư khoảng 92.400 tỷ đồng và 280,5 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Một số dự án quy mô lớn được tập trung triển khai trong nửa đầu năm 2024, như: Nhà máy điện sinh khối Yên Bái 1, tổng vốn đầu tư 118 triệu USD; Dự án xây dựng cảng BBCIM Yên Bái, tổng mức đầu tư 713 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phú Thịnh 3, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng;…
Các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động đã và đang phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm mới và thu nhập cho người lao động.
Trong 02 năm gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Yên Bái luôn nằm trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước. Để duy trì kết quả này trong các năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?
Yên Bái xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, những năm gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn đạt cao, nằm trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước.
Năm 2022, giải ngân đạt 4.825,1/5.510,6 tỷ đồng, bằng 87,56% kế hoạch vốn giao, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2023, đạt 5.291,5/5.989 tỷ đồng, bằng 88,35% kế hoạch vốn giao, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Tính đến hết tháng 6/2024, Yên Bái đã giải ngân bằng 28,1% kế hoạch vốn tỉnh giao, bằng 40,2% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và các năm tiếp theo, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Thường xuyên đôn đốc, chủ động nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt; bổ sung các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng trong triển khai dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu chưa đáp ứng năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh gắn với cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) như thế nào, thưa ông?
Yên Bái xác định tăng trưởng xanh, bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường không chỉ là xu hướng mà còn là giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn với cải thiện Chỉ số PGI. Cụ thể:
Đã tham mưu hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều giải pháp cụ thể, là cơ sở lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Lồng ghép nội dung cải thiện Chỉ số PGI trong Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh các cấp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động ngoài nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Một số dự án góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh đã và đang được triển khai như: Đê chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, TP.Yên Bái; Dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (Kfw8); Kè chống sạt lở suối ngòi Thia, ngòi Hút; kè chống sạt lở bờ sông Hồng; các dự án lò đốt chất thải rắn sinh hoạt,..
Sở cũng tham mưu ban hành và triển khai Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 28/6/2023 của UBND tỉnh về tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chương trình, đề án về tăng trưởng xanh, thu hút đầu tư xanh. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo tiêu chí xanh, bền vững.
Tỉnh Yên Bái xác định tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
Theo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nào? Tỉnh cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư ra sao?
Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023. Quy hoạch xác định 04 trụ cột tăng trưởng là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông, lâm nghiệp. Đây được xem là chìa khóa mở ra cơ hội và động lực mới thu hút đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: Chế biến nông, lâm sản gắn với khai thác, phát triển vùng nguyên liệu; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan như: Thương mại, vận tải, logistics, xuất nhập khẩu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Yên Bái phấn đấu thu hút được bình quân 60 dự án đầu tư/năm. Tổng vốn đầu tư của các dự án đạt khoảng 18.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 44.500 tỷ đồng, chiếm 35-37% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. |
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp tạo đột phá, trước hết là nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có lợi thế, dư địa phát triển như: Công nghiệp, du lịch, dịch vụ,...
Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các điều kiện về hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực,...
Đặc biệt, với phương châm “Chính quyền đồng hành, phục vụ doanh nghiệp”, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Từ đó khơi thông các nguồn lực, đưa Yên Bái ngày càng phát triển theo hướng nhanh, xanh và bền vững!
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Anh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI