VĨNH PHÚC

Động lực cho tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc là thu hút FDI và kinh tế tư nhân

09:51:20 | 25/3/2025

Đó là những gợi ý cho mục tiêu phát triển hai con số của Vĩnh Phúc của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chiều 16/3 trong buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc.

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong 5 năm qua,  tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra, đạt và vượt 24/29 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Thu hút đầu tư luôn ở mức cao

Tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2021-2025 ước đạt 7,4%, tăng 1,53 lần so với năm 2020. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 148 triệu đồng/người vào năm 2025. Vĩnh Phúc có những tập đoàn thương hiệu toàn cầu đã và đang đầu tư hiệu quả như Toyota, Honda, Piagio.. các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có sự phát triển cao như CEC TECH, Dược phẩm Vĩnh Phúc...

Năng suất lao động tăng bình quân 11%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, ước đạt 190 nghìn tỷ đồng vào năm 2025, gấp 1,53 lần năm 2020. Thu hút FDI giai đoạn 2021-2025 ước đạt 3,53 tỷ USD, cao hơn mục tiêu đặt ra là 2,0-2,5 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, giai đoạn 2021-2025 ước đạt hơn 167 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2024 đạt trên 31,5 nghìn tỷ đồng. Lượng du khách và doanh thu từ các hoạt động du lịch ngày càng tăng, ước đến năm 2025 tỉnh đón khoảng 11,1 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng.

Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được củng cố, tăng cường và mở rộng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng; thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Các lĩnh vực văn hóa được chú trọng, tập trung phát triển; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 ước còn 0,3%; chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ, luôn trong top đầu cả nước về giáo dục. Đặc biệt, Vĩnh Phúc thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình, chính sách phát triển của Trung ương, Chính phủ.

Cần tận dụng cơ hội, tiềm năng khác biệt của Vĩnh Phúc

Với những thành tựu đã có, để địa phương này tiếp tục tận dụng được những cơ hội phát triển mới Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kiến nghị Trung ương sớm có chỉ đạo đồng bộ giữa thực hiện một số nội dung Chỉ thị số 35 và Kết luận số 127 của Bộ Chính trị; có hướng dẫn đối với một số cơ quan đang rà soát, sáp nhập trước, sau sáp nhập tỉnh. Về thể chế, tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị với Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung cho phép xe HEV được hưởng ưu đãi với mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và văn bản pháp luật liên quan theo hướng cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội; xem xét sửa đổi Luật Đất đai, các nghị định hướng dẫn thi hành theo hướng bổ sung quy trình rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với một số dự án quan trọng quốc gia; ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số số 57 của Chính phủ để các địa phương có căn cứ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét bổ sung chỉ tiêu đất đô thị và đất phát triển hạ tầng để tỉnh phát triển các dự án động lực đáp ứng yêu cầu Quy hoạch tỉnh và mục tiêu tăng trưởng hai con số; xem xét, bổ sung thêm nguồn lực, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho Vĩnh Phúc cao hơn mức được hưởng, tạo nguồn lực để tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình liên kết vùng; giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh để triển khai các dự án động lực như Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II; Khu đô thị phức hợp sinh thái Vĩnh Phúc... 

Thủ tướng đánh giá, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia; có điều kiện phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, tự nhiên với nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng; hệ thống giao thông thuận tiện gồm đường bộ, đường sắt, gần đường hàng không; có truyền thống văn hóa đặc trưng, văn hóa dân gian đặc sắc; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; người dân cần cù, thông minh… Tuy nhiên, Vĩnh Phúc chưa phát huy, phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm Vĩnh Phúc cần triển khai thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị bằng chương trình, kế hoạch cụ thể; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân là động lực cho tăng trưởng và phát triển; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh; tích cực, chủ động cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; tạo đột phá về thể chế theo tinh thần 3 có, 2 không. Trong đó "3 có" gồm có lợi cho Nhà nước ( trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc) , có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; "2 không" là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước.

Định hướng Vĩnh Phúc sẽ phát triển theo kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, trong đó tăng tỷ trọng dịch vụ, tăng tiêu dùng chi tiêu xã hội, tăng vốn đầu tư FDI; tạo động lực tăng trưởng mới từ các ngành kinh tế mới; khai thác tối đa không gian phát triển; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; chủ động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông; quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hoá, y tế, giáo dục, trong đó đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu sức khoẻ cho người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục, trên cơ sở đó để hoạch định chính sách phù hợp. Đối với từng đề xuất của tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó thủ tướng và các bộ ngành chỉ đạo, phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện và báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Hiền Hưng (Vietnam Business Forum)