Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 12/2017 dự thảo Nghị định nông nghiệp hữu cơ sẽ được trình Chính phủ và sau đó Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 cũng sẽ sớm được trình để xem xét phê duyệt.
Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) từ chỗ chỉ là thị trường ngách dành cho một nhóm nhỏ người tiêu dùng nay đã trở thành một phân khúc thị trường lớn có giá trị thương mại lên tới gần 100 tỷ USD với khoảng 50 triệu ha đất canh tác.
Đã hình thành một ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Ở Việt Nam nông nghiệp hữu cơ đã qua gần 10 năm phát triển nhưng trong những năm gần đây, sản xuất NNHC mới được chú ý phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Đến nay, đã có 33/63 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất NNHC với diện tích khoảng 70 nghìn ha (gấp 3,6 lần so với năm 2010). Có nhiều hình thức đầu tư với quy mô khác nhau như: từ hộ, nhóm hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… Sản phẩm NNHC gồm nhiều loại lương thực, thực phẩm, đường, sữa… đã tạo ra dòng sản phẩm mới, hữu cơ cho thị trường trong nước, một phần xuất khẩu.

Là một doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư vào sản xuất NNHC, Tập đoàn TH đã triển khai sản xuất rau củ quả, thảo dược và sữa tươi theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Tháng 12/2015 đã có 37 loại rau sạch, 5 loại thảo dược của TH được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ. 5 loại quả và thảo dược gồm quả gấc, rau má, lá hồng, quả hồng, lạc tiên của TH đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với thương hiệu Total Happiness Naturals và các sản phẩm mang thương hiệu TH true Herbal tiêu thụ trên thị trường nội địa. Đồng thời vào cuối tháng 4/2017 Control Union đã cấp chứng nhận hữu cơ cho trang trại bò sữa hữu cơ TH và toàn chuỗi sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam là nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trên 93 triệu dân trong nước, mà còn xuất khẩu tới 180 nước, giá trị xuất khẩu năm 2016 là trên 32 tỷ USD và năm 2017 ước đạt trên 36 tỷ USD. Với sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư lớn như TH Trumilk, Vinamilk, Việt Nam đã có nền tảng để phát triển mạnh hơn ngành sản xuất NNHC.
Cơ hội vàng
Tham dự Diễn đàn "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Xu thế hội nhập quốc tế" được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, ngành nông nghiệp cần hướng đến việc sản xuất thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Trong đó, NNHC với thế mạnh cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, bảo vệ môi trường là một thành tố quan trọng. Trong điều kiện tỷ lệ tầng lớp trung lưu hiện nay đã đạt 30% và sẽ tăng lên 50% vào năm 2030, Thủ tướng đánh giá, việc phát triển nông nghiệp hữu tại Việt Nam là “thời điểm vàng”.
Còn theo một số chuyên gia doanh thu dự báo của thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ trong nước tăng khoảng 18%/năm.
Tuy nhiên, để sản xuất NNHC Việt Nam vượt qua giai đoạn sơ khai, bắt nhịp được với thị trường quốc tế, cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách rõ ràng để thúc đẩy ngành sản xuất này. Đồng thời ngành chủ quản cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, có chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các cơ sở kiểm định chất lượng và chứng nhận sản phẩm hữu cơ độc lập trong nước.
Nông nghiệp hữu cơ không phải là quay lại cách làm truyền thống của hàng trăm năm trước mà là sự kết hợp những tinh túy của truyền thống với những tiến bộ khoa học hiện đại và phương pháp quản lý hiện đại. Do đó những cơ chế về đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được coi trọng
Trong giai đoạn ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, tận dụng được những lợi thế, tiềm năng sẵn có, ngành sản xuất NNHC Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Thanh Yên